Quảng Nam: Vốn chờ dự án hoàn thiện thủ tục, điều chỉnh tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023, Quảng Nam được bố trí tổng nguồn vốn đầu tư công mới là 7.949,015 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng chuyển từ năm 2022 sang. Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng giải ngân đầu tư công đạt 20,8%, thấp hơn mức bình quân của cả nước do thủ tục hồ sơ dự án chậm và phải điều chỉnh.
Trong nửa đầu năm 2023, khối lượng giải ngân đầu tư công của tỉnh Quảng Nam đạt 20,8%, thấp hơn mức bình quân của cả nước. Ảnh: L.P
Trong nửa đầu năm 2023, khối lượng giải ngân đầu tư công của tỉnh Quảng Nam đạt 20,8%, thấp hơn mức bình quân của cả nước. Ảnh: L.P

Theo kế hoạch, Dự án Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam quy mô 15,8 ha, tổng mức đầu tư 156 tỷ đồng tại huyện Núi Thành sẽ được đưa vào vận hành cuối năm 2023. Tuy nhiên, do chậm tiến độ, mới đây, tỉnh Quảng Nam đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư theo hướng giảm công suất một số hạng mục. Trong đó, giảm quy mô công suất xử lý nước rỉ rác từ 800 m3/ngày đêm xuống 600 m3/ngày đêm; phần thiết bị thi công lắp đặt cho công suất 300 m3/ngày đêm giai đoạn 2022 - 2024, thay vì 400 m3/ngày đêm giai đoạn 2022 - 2023. Đồng thời, tiến độ đầu tư xây dựng điều chỉnh theo hướng kéo dài sang năm 2025.

Tương tự, Dự án cầu Giao Thủy do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm Chủ đầu tư đúng ra phải hoàn thành thủ tục, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng cuối năm 2022. Tuy nhiên, do thủ tục chậm, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư kéo dài thêm một năm, đến cuối năm 2023 sẽ thanh quyết toán, nghĩa là nguồn vốn đầu tư dự án này đã được chuyển từ năm 2022 sang năm 2023.

Một dự án khác cũng nằm trong diện điều chỉnh chủ trương đầu tư là Dự án Mở rộng đường Hùng Vương (TP. Tam Kỳ). Theo chủ trương đầu tư ban đầu, Dự án được thực hiện giai đoạn 2019 - 2023, tuy nhiên, do chậm hoàn thiện thủ tục và nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là bổ sung một số hạng mục, tăng vốn từ 150 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 không thể đáp ứng, nên HĐND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư sang giai đoạn 2026 - 2030.

Tại Dự án Xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã từ nguồn ngân sách trung ương do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm Chủ đầu tư, dù thời hạn kết thúc vào ngày 31/12/2023 nhưng đến thời điểm này chưa có gói thầu nào được khởi công xây dựng. Trước nguy cơ bị cắt vốn, điều chuyển vốn, Chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó đề xuất chuyển từ phương thức xây mới 3 trạm y tế sang nâng cấp, cải tạo. Tuy nhiên, HĐND Tỉnh đã bác bỏ với lý do: khi báo cáo danh mục đầu tư thì Chủ đầu tư cam kết không điều chỉnh, nhưng bây giờ thay đổi; nếu điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh phê duyệt dự án sẽ kéo theo hàng loạt rắc rối vì hồ sơ dự án buộc phải làm lại theo hướng thay đổi, kéo dài thời gian...

Gay gắt hơn với đề xuất điều chỉnh này, ông Phan Việt Cường, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam quả quyết: “Cuối năm nay không hoàn thành Dự án, nhất định Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tỉnh sẽ bị điều chuyển công tác”.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Từ tháng 7 đến tháng 9/2022, HĐND tỉnh Quảng Nam đã quyết danh mục các dự án đầu tư nhưng các chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ chậm dẫn đến thẩm định chậm. Có dự án đến 30/6/2023 mới phê duyệt dự án, bố trí, phân bổ vốn thì chưa thể giải ngân. Chủ đầu tư khoán trắng cho tư vấn, chất lượng hồ sơ yếu, phải trả đi, trả lại nhiều lần...”.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, để đạt tiến độ giải ngân đầu tư công, những dự án nào chưa thực hiện thủ tục đầu tư sẽ phải để lại, tập trung cho các công trình không điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Theo phân tích của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư, chuyển vốn chỉ là giải pháp tình thế vì đâu có dự án nào đẩy nhanh khối lượng, cần vốn để bổ sung. Mặt khác, điều chỉnh chủ trương đầu tư thì lại mất thêm thời gian hoàn thiện thủ tục. Để tăng giải ngân, địa phương phải chủ động được danh mục đầu tư, giao, phân bổ vốn sớm, chuẩn bị sẵn mặt bằng. Bên cạnh đó, việc khảo sát, đánh giá hiện trạng, nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án cần được đặt lên hàng đầu, kèm theo chế tài kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, một trong những giải pháp tháo gỡ thực trạng giải ngân thấp là chính quyền quyết định sẽ giao cho Thanh tra Tỉnh tổ chức thanh tra công tác xây dựng, từ khâu chuẩn bị dự án cho đến triển khai đầu tư. Vướng đâu, vì lý do gì sẽ được mổ xẻ, đánh giá đúng, xác thực chứ không phải cứ chậm là đề xuất điều chỉnh, là đổ lỗi cho vướng mặt bằng, vật giá tăng cao để giữ vốn, chuyển vốn, kết quả là không tiêu hết vốn khiến giải ngân không đạt kế hoạch.

Chuyên đề