Một trong những điểm khó hiện nay là chưa có hệ thống tiếp nhận, lưu giữ, xử lý dữ liệu liên quan đến giao dịch thương mại điện tử. Ảnh: Minh Khuê |
Tăng cường giám sát từ cơ quan thuế
Tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, quy định về quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử là một trong những nội dung được quan tâm nhất.
Theo đó, luật này bổ sung quy định: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuộc Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu xây dựng cách thức để đưa việc đăng ký, khai và nộp thuế này lên cổng thông tin trực tuyến của cơ quan thuế. Cách làm này sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch và sự giám sát của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế cũng quy định phải xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế trực tuyến.
Đồng thời, luật này bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, quản lý giám sát dòng tiền, thực hiện khấu trừ thuế đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thương mại điện tử trong trường hợp tổ chức kinh doanh không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Hải quan, ngân hàng vào cuộc
Để quản lý thuế với thương mại điện tử hiệu quả, theo ông Lưu Đức Huy, cần cả sự phối hợp từ các cơ quan khác, đặc biệt là hải quan và ngân hàng. Theo đó, hàng hóa xuất, nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan. Liên quan đến việc này, Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
“Yêu cầu đặt ra với việc quản lý hoạt động thương mại điện tử với hàng hóa xuất nhập khẩu là phải hạn chế việc lợi dụng chính sách hiện hành để giảm hoặc tránh nghĩa vụ thuế. Chẳng hạn, việc nhập khẩu hàng hóa theo hình thức quà tặng, hàng xách tay”, ông Huy nói.
Tổng cục Hải quan cho biết, theo kế hoạch, Đề án sẽ được trình các cấp vào tháng 9/2019 và sẽ triển khai thực hiện từ năm 2020. Các điểm đáng lưu ý trong Đề án là quản lý thuế với hàng hóa dạng xách tay, quà tặng và xác định đúng giá trị của giao dịch.
Tuy nhiên, một trong những điểm khó hiện nay là chưa có hệ thống tiếp nhận, lưu giữ, xử lý dữ liệu liên quan đến giao dịch thương mại điện tử. Từ đó phát sinh trường hợp khách hàng mua hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website điện tử bán hàng vào thời điểm hàng hóa được giảm giá nhưng khi về đến Việt Nam, hải quan không có căn cứ để tính thuế trên trị giá hàng hóa đã giảm, mà tính theo nguyên giá của hàng hóa.
Do đó, cơ quan hải quan cho rằng, cần xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến giao dịch thương mại điện tử và có quy định cụ thể về việc chấp nhận trị giá giao dịch qua thương mại điện tử là trị giá thực của giao dịch để thực hiện tính thuế.
Liên quan đến việc tính và khấu trừ thu nhập của nhà cung cấp nước ngoài không đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam, Khoản 3 Điều 27 của Luật Quản lý thuế quy định: “Ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát sinh thu nhập từ Việt Nam”.
Ông Huy cho biết, điều cần làm trong thời gian tới là xây dựng cơ sở pháp lý để ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện khấu trừ với thu nhập phát sinh tại Việt Nam của nhà cung cấp nước ngoài.
“Đây cũng là vấn đề khó. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần phối hợp để xác định được tiêu chí và điều kiện khấu trừ khoản thuế theo đúng quy định của pháp luật về thuế với giao dịch xuyên biên giới. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thúc đẩy việc quản lý thanh toán qua thẻ tín dụng như Visa, Master để vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa có thể khấu trừ tại nguồn với các giao dịch đó”, ông Huy nói.
Từ khía cạnh khác, theo đại diện Vụ Chính sách thuộc Tổng cục Thuế, cần tăng cường khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam. “Mới đây, Netflix - nhà cung cấp phim trực tuyến lớn trên thế giới - đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ mong muốn được đăng ký kinh doanh và làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Việc này cần được nhân rộng hơn nữa với các nhà cung cấp dịch vụ khác”, ông Huy nói.