Chi thường xuyên hiện chiếm khoảng 63% tổng chi ngân sách nhà nước, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ ở mức khoảng 26%. Ảnh: Hoài Tâm |
Khó từ ngân sách lồng ghép
Khi xây dựng Luật NSNN 2015, lồng ghép ngân sách là nội dung đã được đề xuất xóa bỏ song không thực hiện được. Đây là rào cản quan trọng nhất dẫn đến tình trạng quyết toán ngân sách chậm và gây hoài nghi về các chỉ tiêu ngân sách được công khai hằng năm.
Tại Toạ đàm “Góc nhìn chuyên gia về Dự thảo Dự toán NSNN năm 2019”, ông Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công chia sẻ: “Nỗ lực xóa bỏ lồng ghép ngân sách được quan tâm sửa đổi nhất lại không được thực hiện dẫn đến cách thức lập dự toán NSNN không khác gì so với các năm trước và mãi tồn tại khoảng cách khác biệt lớn giữa dự toán và quyết toán NSNN hàng năm”.
Từng tham gia xây dựng Luật NSNN 2015, ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình xây dựng luật này, ban soạn thảo rất muốn rút ngắn khoảng cách từ thời điểm thực hiện ngân sách đến thời điểm quyết toán ngân sách chỉ còn một năm thay vì 18 tháng như hiện nay nhưng không thực hiện được. Kết quả là, để có quyết toán NSNN trình Quốc hội, phải có 6 vạn quyết toán của các đơn vị chi tiêu, 11 nghìn quyết toán của xã, 700 quyết toán của huyện và 63 quyết toán của các tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, quyết toán của xã thuộc trong quyết toán của huyện, quyết toán huyện lại thuộc trong quyết của tỉnh, quyết toán của tỉnh thuộc quyết toán nhà nước.
“Tầng tầng lớp lớp thực hiện khiến thời gian chuẩn bị để quyết toán ngân sách kéo dài như vậy. Chỉ có cách chờ đợi hệ thống ngân sách điện tử sẽ rút ngắn được thời gian này”, ông Cường nhấn mạnh.
Quản bội chi không nghiêm
Về Dự thảo Dự toán NSNN năm 2019, một điểm đáng chú ý là con số bội chi NSNN năm 2019 ở mức 3,6% GDP, tương đương tỷ lệ bội chi/GDP của 2 năm trước đó. Đây là con số thấp đáng kể so với tỷ lệ bội chi ở mức trên 5% GDP của những năm trước khi Luật NSNN 2015 có hiệu lực.
Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Sỹ Cường nói: “Cách tính mới về bội chi NSNN đã loại bỏ khoản chi trả nợ gốc gần 200 nghìn tỷ đồng trong tổng chi của năm 2019, nhờ đó, tỷ lệ bội chi giảm xuống. Chỉ là khác biệt về cách tính chứ không phải là giảm được bội chi một cách thần kỳ như vậy”. Điều đáng chú ý, theo vị chuyên gia này là việc trả nợ hiện nay dựa chủ yếu vào nguồn vốn vay thay vì tiền tích lũy được, từ đó dẫn đến chuyện Chính phủ vay được nhiều còn người dân vay được ít và gây sức ép lớn đến chính sách lãi suất trên thị trường.
Đề cập đến nội dung này, ông Phạm Đình Cường cho rằng, cần chú trọng kỷ luật ngân sách. Theo đó, với thu ngân sách, Chính phủ rất cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để có nguồn thu tốt hơn. Bên cạnh đó, việc mở rộng cơ sở tính thuế cũng cần được thực hiện cùng với việc nghiên cứu các sắc thuế mới.
Ở chi ngân sách, khoản đáng chú ý nhất là chi thường xuyên hiện chiếm khoảng 63% tổng chi ngân sách, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ ở mức khoảng 26%. “Tăng chi đầu tư rõ ràng là rất cần cho nền kinh tế, song không dễ thực thi bởi muốn tăng chi đầu tư thì phải giảm chi thường xuyên. Điều này được nhắc lại nhiều lần và Luật NSNN nêu rõ việc tiết kiệm ngân sách trong chi thường xuyên nhưng vẫn có lúc này lúc khác rộ lên rất nhiều vụ việc lãng phí. Để thực hiện việc giảm chi cần cơ cấu lại chi và siết kỷ luật chi”, ông Phạm Đình Cường bình luận.
Thực tế cán cân tài khóa những năm gần đây đều hiện rõ, thu NSNN vẫn tăng đều khoảng vài chục nghìn tỷ đồng/năm nhưng chi NSNN vẫn tăng theo nên dẫn đến tăng bội chi. Trong khi đó, nguyên lý điều hành chính sách tài khóa là đã tăng thu thì sẽ giảm bội chi. Ông Phạm Đình Cường giải thích, tăng thu NSNN phần lớn là tăng thu ở NSNN của địa phương, nhờ đó, địa phương lại được tăng chi dù ngân sách trung ương đang thâm hụt mà không thể bù trừ được với ngân sách địa phương.
“Những năm gần đây, một tín hiệu tốt là Quốc hội có phần “rắn” hơn khi yêu cầu cứ tăng thu là phải góp phần giảm bội chi. Điều này phù hợp với tiêu chuẩn vàng của Luật NSNN là chỉ bội chi cho đầu tư chứ không dành cho chi thường xuyên. Tiếp đó, chúng ta có thể vay để đầu tư nhưng phải quản lý hiệu quả để con cháu chúng ta không phải còng lưng trả nợ”, ông Phạm Đình Cường nhận xét.