Nhà máy điện Cà Mau |
9 tháng vượt 21% kế hoạch lợi nhuận sau thuế
Theo thông tin từ PV Power, 9 tháng đầu năm 2017, toàn Tổng công ty sản xuất 15,58 tỷ kWh, đạt 23.157 tỷ đồng doanh thu và 1.664 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với hoạt động kinh doanh thuận lợi như vậy, nộp ngân sách nhà nước của PV Power ước đạt 1.018 tỷ đồng. Tổng công ty cũng thực hiện nhiều chương trình tiết kiệm trong sản xuất, với tổng mức tiết kiệm đạt gần 193 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, PV Power cũng đang phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) triển khai nhiều dự án điện khí để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Trong 3 tháng cuối năm, PV Power lên kế hoạch tiếp tục tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì thiết bị nhà máy khả dụng cao, vận hành ổn định; phấn đấu tổng sản lượng điện sản xuất quý IV/2017 đạt 5,279 tỷ kWh với hiệu quả tối ưu khi tham gia thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời, hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ, thực hiện quyết toán chi phí cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động công ty cổ phần và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án Nhơn Trạch 3, 4.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất tính đến 30/6/2016, PV Power có tổng tài sản 71.558 tỷ đồng (tương ứng hơn 3,14 tỷ USD). Như vậy, sau IPO và niêm yết, PV Power sẽ trở thành doanh nghiệp “họ điện lực” có quy mô tài sản lớn nhất sàn chứng khoán.
Toàn cảnh đập tràn Thủy điện Hủa Na
IPO PV Power sẽ hấp dẫn nhà đầu tư
Theo phân tích của Finance Asia, ngành năng lượng ở Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong thập niên tới khi Chính phủ đang tìm giải pháp bù đắp sự thiếu hụt nguồn năng lượng thông qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thị trường vốn.
Công suất điện của Việt Nam hiện không đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong bối cảnh các ngành sản xuất đang phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, Chính phủ có kế hoạch tăng gấp 3 công suất vào năm 2030 và dự kiến mức tiêu thụ sẽ đạt 550 tỷ kWh. Nửa đầu năm 2017, con số này là 84,1 tỷ kWh.
Theo Giám đốc nghiên cứu Barry Weisblatt của Công ty Chứng khoán Bản Việt, quá trình tự do hoá chính là nhân tố tạo nên tăng trưởng mạnh của lượng vốn FDI trong ngành năng lượng. Giá trị đầu tư trong nửa đầu năm 2017 lớn hơn cả tổng 5 năm trước. Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng đang được cổ phần hóa.
Trong số các doanh nghiệp hoạt động trong ngành năng lượng đang chuẩn bị cổ phần hóa, phiên IPO của PV Power, nhà cung cấp điện lớn thứ 2 của Việt Nam, đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.
Tại một văn bản trình Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương đề nghị xem xét, chấp thuận để PVN được nắm giữ 51% vốn điều lệ tại PV Power sau cổ phần hóa, 28,9% vốn bán cho cổ đông chiến lược và 20% còn lại được chào bán ra công chúng. PVN sẽ thực hiện thoái vốn tại PV Power xuống tỷ lệ dưới 50% vốn điều lệ sau năm 2025.
Về giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần, Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng việc xác định giá khởi điểm IPO PV Power là 14.400 đồng/CP. Mức giá này dựa trên cơ sở kết quả kiểm toán về việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa PV Power của Kiểm toán Nhà nước, các lợi thế của PV Power và đã xem xét, đánh giá bằng nhiều phương pháp xác định giá khởi điểm theo quy định hiện hành. Theo đó, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp sản xuất điện lớn thứ hai cả nước vào khoảng 33.723 tỷ đồng, tương đương 1,48 tỷ USD.
Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, đợt IPO PV Power sẽ thu hút được sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư do đây là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế, có chất lượng tài sản tốt và cổ phiếu có tính thanh khoản cao do một lượng lớn được chào bán.