Phú Quốc chứng kiến sự kiện lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
Tối 8/1, tại huyện đảo Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP. Phú Quốc và các phường trực thuộc TP đảo đầu tiên của Việt Nam.

Đến dự có ông Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Việc thành lập TP. Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc. Song song đó là việc thành lập các phường thuộc TP. Phú Quốc, gồm: phường Dương Đông trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông; phường An Thới trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 37.485 người của thị trấn An Thới.

Sau khi thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc TP. Phú Quốc, TP đảo đầu tiên của Việt Nam có 9 đơn vị hành chính cấp xã. Còn tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 huyện và 3 TP.

Huyện đảo Phú Quốc đón sự kiện lịch sử khi trở thành TP đảo đầu tiên của Việt Nam

Huyện đảo Phú Quốc đón sự kiện lịch sử khi trở thành TP đảo đầu tiên của Việt Nam

Ngoài ra, cũng theo nghị quyết này, TAND và VKSND huyện Phú Quốc cũng trở thành TAND và VKSND TP Phú Quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết việc Phú Quốc trở thành TP đảo đầu tiên của Việt Nam là sự kiện vô cùng ý nghĩa, ghi nhận sự phát triển không ngừng của Phú Quốc, cũng là tiền đề quan trọng để Phú Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Phú Quốc được mệnh danh là vùng đất trù phú với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội mà không phải địa phương nào cũng có

Phú Quốc được mệnh danh là vùng đất trù phú với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội mà không phải địa phương nào cũng có

Cũng theo ông Lâm Minh Thành, Phú Quốc có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; được mệnh danh là "vùng đất trù phú" với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội mà không phải địa phương nào cũng có.

Chính những yếu tố đặc biệt đó, kể từ năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, cùng các quy hoạch và các cơ chế, chính sách ưu đãi đã mở ra giai đoạn phát triển mới cho Phú Quốc.

Trong những năm qua, phát huy lợi thế sẵn có cùng sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện đảo, Phú Quốc đã có sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; nhất là trong giai đoạn từ năm 2014 trở lại đây, với điều kiện hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, Phú Quốc đã thật sự vươn lên, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế.

"Việc Phú Quốc trở thành TP thuộc tỉnh Kiên Giang là sự kiện lịch sử trọng đại; là thành quả của cả quá trình xây dựng, vun đắp bền bỉ, kiên cường qua nhiều thế hệ; thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền; cùng sự phấn đấu, nỗ lực trong lao động, sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Phú Quốc. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu mô hình quản lý mới theo thiết chế chính quyền đô thị, gỡ nút thắt về tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực quản trị hành chính nhà nước ở địa phương; tạo sức bật mạnh hơn nữa để Phú Quốc phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế; tạo thế và lực trong đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo vùng Tây Nam của Tổ quốc", ông Lâm Minh Thành kỳ vọng.

Chuyên đề