Theo Phó Thủ tướng, cần sự phối hợp của chính quyền và doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thực sự lo cho công nhân. Ảnh: TTXVN |
Theo Phó Thủ tướng, lao động xã hội là vấn đề rộng. Việc kéo người lao động từ một số địa phương, chủ yếu khu vực Đông Nam Bộ quay lại nhà máy để vừa giải quyết được nguồn lao động để phục hồi sản xuất, vừa giải quyết quyền lợi công nhân và gia đình họ là điều cần xem xét thấu đáo.
Đợt dịch vừa qua làm bộc lộ rõ nhiều vấn đề, đặc biệt như vấn đề nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi. Tới đây, Chính phủ sẽ bàn về nguyên tắc, có chương trình cụ thể để báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền về đào tạo nghề, đổi mới đào tạo. Trước mắt, cần phân nhóm 1,3 triệu người trở về địa phương. Nhóm 1 là người lao động có hợp đồng chính quy tương đối ổn định và dài hạn ở các doanh nghiệp lớn, về cơ bản họ được doanh nghiệp hỗ trợ trả lương nên quay lại tốt, nhiều người trong nhóm này chưa quay trở lại là do muốn chuyển dịch lao động. Nhóm 2 là người lao động ở các doanh nghiệp nhỏ, chủ lao động không cam kết dài hạn về sử dụng lao động. Nhóm 3 là lao động tự do. Nhóm 4 là người nhà đi theo người lao động để hỗ trợ như ông bà đi theo để chăm cháu. Với mỗi nhóm lao động cần có định hướng thu hút trở lại khách nhau.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần chú trọng hai vấn đề. Trước hết là phải kiểm soát tốt dịch bệnh vì tâm lý người lao động vẫn sợ tình trạng phong tỏa trở lại, họ đã chứng kiến ốm đau mất mát và rất tổn thương, nên phải có kế hoạch cụ thể chi tiết về phòng chống dịch. Tiếp đó, cần xem xét mở lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học để hỗ trợ người lao động.