Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thị sát tình hình lũ lụt tại huyện Tây Giang. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Cùng đi với Phó Thủ tướng Thường trực có Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường.
Theo báo cáo của UBND huyện Tây Giang, tình hình mưa to đến rất to trên diện rộng, kéo dài liên tục dẫn mức nước trên các sông, suối vượt đỉnh lũ năm 2009 trên 1 m. Địa hình của huyện có độ dốc lớn, nhiều sông suối nên dẫn đến ngập úng, sạt lở nhiều nơi trên địa bàn, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nhất là về sản xuất nông nghiệp cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu (chiếm 95% dân số toàn huyện) với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao.
Đến nay, huyện Tây Giang đang khẩn trương kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt và ưu tiên đề xuất nhu cầu hỗ trợ ống dẫn nước để phục vụ sinh hoạt đời sống và chuẩn bị phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 cho đồng bào. Đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ giống lúa sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021, hỗ trợ giống rau màu để sản xuất vụ Đông.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục rà soát phương án sắp xếp bố trí dân cư đối với những vị trí có nguy cơ sạt lở, vùng trũng thấp đến nơi ở an toàn. Tiếp tục chỉ đạo các ngành các địa phương thống kê thiệt hại trên các lĩnh vực để tập trung chỉ đạo khắc phục, sớm ổn định đời sống và sản xuất. Tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương nắm tình hình đời sống nhân dân sau mưa bão để kịp thời hỗ trợ, sớm ổn định đời sống và sản xuất, quyết tâm để xảy ra tình trạng thiếu đói và dịch bệnh sau thiên tai. Tổ chức tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường đối với những nơi bị ngập lụt, tránh tình trạng để phát sinh dịch bệnh sau mưa, bão.
Đến thăm hỏi và động viên bà con các dân tộc trong huyện, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình và đoàn công tác bày tỏ chia sẻ sâu sắc với những thiệt hại của bà con do thiên tai, lũ lụt gây ra.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trao các phần quà động viên các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, lãnh đạo huyện, các cơ quan, ban, ngành và địa phương đã kịp thời chỉ đạo ứng phó với lũ lụt, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình phải di dời khẩn cấp, gia đình bị ngập lũ và gia đình bị thiệt hại nặng. Huyện đã chủ động trích ngân sách mua gạo và các nhu yếu phẩm thiết yếu, kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt vừa qua, nhất là các huyện miền núi các tỉnh miền Trung. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xuất cấp gạo không thu tiền cho các tỉnh bị lũ lụt để hỗ trợ cứu đói cho người dân, trong đó có tỉnh Quảng Nam. Các tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả do sạt lở đất tại các khu vực xảy ra lũ quét, lũ ống, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân tại các tỉnh miền Trung.
Trước những đau thương, mất mát to lớn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân của gia đình các nạn nhân và chỉ đạo các lực lượng chức năng huy động phương tiện, lực lượng để tìm kiếm người bị nạn, người đang mất tích.
Tại UBND xã A Nông (huyện Tây Giang), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trao các phần quà động viên các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, cho các lực lượng chuyên trách làm công tác phòng ứng phó, cứu nạn trên địa bàn huyện như biên phòng, công an, quân sự và một phần cho quỹ khuyến học trong huyện để động viên các cháu học sinh sớm trở lại trường học tập.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và đoàn công tác đã khảo sát trực tiếp tình hình mưa lũ gây thiệt hại tại cầu A Vương (huyện Đông Giang), giao nhiệm vụ cho tỉnh Quảng Nam sớm tổ chức khắc phục, ứng phó với cơn bão sắp tới, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân trong huyện trên tinh thần không để người dân “đói cơm, nhạt muối” trong lúc khó khăn này.