Phó thủ tướng: Không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất

Phó thủ tướng Vương Đình Huê%3ḅ làm viê%3ḅc với Ngân hàng Nhà nước, chiều 22/4...
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tín dụng bất động sản phải hướng vào các dự án nhà ở xã hội.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tín dụng bất động sản phải hướng vào các dự án nhà ở xã hội.

“Dù đạt được một số kết quả khích lệ, song ngành ngân hàng vẫn còn một số tồn tại, đặc biệt là tình hình nợ xấu còn cao, xử lý nợ xấu ở VAMC chưa thực chất, một số tổ chức tín dụng yếu kém chưa được xử lý dứt điểm”. 

Đánh giá trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, chiều 22/4. 

Định hướng ổn định lãi suất 

Theo Phó thủ tướng, trong 5 năm qua, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,12% năm 2011 giảm xuống còn 0,63% vào cuối năm 2015, mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh, đạt khoảng 50% so với đầu nhiệm kỳ. 

Một số kết quả trong việc điều hành tỷ giá, quản lý thị trường vàng, chống đô la hoá trong nền kinh tế… cũng được ngành ngân hàng thực hiện có kết quả. 

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng tồn tại một số hạn chế. 

Đó là tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn khó khăn hơn trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh tạo áp lực tăng mặt bằng lãi suất; tín dụng trung và dài hạn có xu hướng tăng nhanh và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung... 

Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu, trong điều hành lãi suất phải bảo đảm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016, theo hướng ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. 

“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và giảm nợ xấu, bảo đảm không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, ông Vương Đình Huệ chỉ đạo. 

Phó thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được ưu tiên, theo dõi chặt chẽ tín dụng bất động sản, hướng tín dụng vào phân khúc nhà ở xã hội. 

Cùng với đó, tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và diễn biến thị trường để ổn định thị trường ngoại hối, cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối. 

Khi thị trường có biến động, Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp can thiệp kịp thời, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp lý, hợp pháp đi liền với hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. 

Cần tiếp tục xây dựng và triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xử lý nợ xấu thực chất, hiệu quả và đặt trong việc triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. 

Quản lý chặt chẽ các tổ chức tín dụng yếu kém; tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua lại tự nguyện, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém và vấn đề sở hữu chéo. 

Công khai, minh bạch về nợ xấu

Về hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo thẩm quyền và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để phát triển thị trường mua bán nợ; hoàn thiện chức năng và có cơ chế, chính sách và nguồn lực phù hợp để phát huy vai trò của tổ chức này trong xử lý, thu hồi nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý thực hiện các giải pháp kiểm soát nợ xấu, hạn chế gia tăng nợ xấu. 

Các bộ, ngành phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn cho VAMC trong việc ban hành văn bản liên quan tới xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo, hỗ trợ tổ chức tín dụng nhanh chóng thu hồi nợ...

Chuyên đề