Phó Thủ tướng: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân đầu tư công

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và đã xử lý được cơ bản các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, giải ngân nguồn vốn này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo bổ sung liên quan đến nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: quochoi.vn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo bổ sung liên quan đến nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 15/6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã báo cáo bổ sung vấn đề phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công.

Phó Thủ tướng nhận định nhiệm vụ giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công của cả năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tuy cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng còn chậm, không phân bổ hết dự toán. Chính phủ luôn bảo đảm dự toán nhưng có tình trạng có tiền không tiêu hết được. “Đây là nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, giảm hiệu quả sử dụng vốn”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời cho rằng “nguyên nhân chủ quan, khách quan ở các bộ, ngành, địa phương nào đi nữa thì cũng là trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chậm phát hiện, rà soát để sửa đổi kịp thời các bất hợp lý trong văn bản hướng dẫn, pháp luật liên quan tới đầu tư công và các vấn đề có thể xin Quốc hội sửa đổi pháp luật. Nhiều địa phương, bộ, ngành chưa kiên quyết cắt giảm theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Quốc hội để bảo đảm thanh toán nợ đọng, thanh toán các khoản ứng trước, bố trí cho các dự án cấp bách, các dự án hợp tác theo hình thức đối tác công-tư, đối ứng vốn ODA sau đó mới phân bổ cho dự án khởi công mới.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ thực tế nhiều bộ, ngành cũng muốn đầu tư nên cắt giảm rất khó theo chỉ đạo Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. “Việc phân công, phân cấp trong thực hiện chủ trương, phê duyệt, thẩm định dự án chưa hợp lý khi có tình trạng một số bộ thấy việc gì cũng quan trọng, cũng to nên phân cấp đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm cho cấp dưới, địa phương”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, một nguyên nhân chủ quan nữa là việc phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương còn yếu kém là “không thể chối cãi”, phối hợp kém giữa các bộ với nhau, trong nội bộ từng bộ. Đặc biệt, cán bộ công chức thực hiện các thủ tục đầu tư công, giải ngân vốn yếu kém chưa được bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm theo tinh thần Nghị quyết số 60/2016/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nguyên nhân khách quan của giải ngân chậm là do khi thực hiện Luật Đầu tư công, các bộ, ngành và địa phương còn lúng túng trong ban hành văn bản, thực hiện, xây dựng hướng dẫn chưa rõ. Nhu cầu đầu tư công của cả nước từ 2016- 2020 rất lớn, lên tới 2 triệu tỷ đồng (Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa XIII) thì trước đó đã được Quốc hội cắt giảm 200.000 tỷ đồng nên các bộ, ngành, địa phương phải dành thời gian rà soát, cắt giảm, do đó mất nhiều thời gian làm thủ tục đầu tư, giải ngân. Bên cạnh đó, có nhiều quy định của Luật nhằm tránh thất thoát nhưng lại mang tính thủ tục làm cản trở tốc độ giải ngân.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ thường xuyên rà soát và thể hiện trong các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, đặc biệt là ban hành Nghị quyết số 60. Thủ tướng Chính phủ cũng lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân do một Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng. Ngoài ra vào cuối năm 2016, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư công trung hạn 2016- 2020 và kế hoạch năm 2017. Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đã chủ trì nhiều cuộc họp giao ban, ban hành 4 thông báo kết luận, 6 công văn chỉ đạo đôn đốc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 60 của Chính phủ. Các bộ ngành và địa phương, nhất là các bộ: KH&ĐT, Xây dựng, Tài chính, Kho bạc Nhà nước đã phối hợp tốt hơn trong phân bổ đầu tư công.

“Tới nay cơ bản giải quyết khó khăn về thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, công khai minh bạch tình hình, trách nhiệm giải ngân đầu tư công”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Cụ thể, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyến biến tích cực. Trong 5 tháng cuối năm 2016 tốc độ giải ngân vốn đầu tư công gấp gần 3 lần so với 7 tháng đầu năm 2016. Cả năm 2016, cả nước đã giải ngân 93,2% kế hoạch vốn đầu tư công trong khi cả năm 2015 chỉ giải ngân đạt 87%. Trong 5 tháng đầu năm 2017 các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân 24,7% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 24%. “Tuy nhiên mức độ này vẫn còn chậm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Để tiếp tục bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60 mới tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì Tổ công tác đặc biệt.

Các giải pháp cụ thể tiếp theo sẽ là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các nghị định, thông tư về đầu tư công, đấu thầu xây dựng theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, nâng cao đạo đức công vụ, năng lực các ban quản lý dự án, tính kịp thời thanh toán của kho bạc và đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan tới đầu tư công, kể cả việc sửa Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về hình thức hợp tác đối tác công tư.

“Bộ, ngành nào đã có quyết định phân bổ vốn mà chưa giải ngân quá mức vốn tối thiểu thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cắt giảm vốn này để cho vào nguồn dự phòng chung. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm cán bộ các cấp làm chậm giải ngân, gây thất thoát, tiêu cực tham nhũng”, Phó Thủ tướng nêu rõ và đề nghị Quốc hội quan tâm thường xuyên, đôn đốc, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Chuyên đề