Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có lượng xe qua lại lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Lê Tiên |
Chính phủ yêu cầu đấu thầu rộng rãi
Dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bắt đầu triển khai chủ trương từ năm 2012 và đã được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Central) triển khai thực hiện (Văn bản số 404/TTg-KTN ngày 18/3/2013 và số 80112/VPCP-KTN ngày 24/9/2013).
Trước đó, vào năm 2012, chính Nexco Central đã đề xuất với Bộ GTVT xin đầu tư vào Dự án. Đề xuất này cũng nhận được sự giới thiệu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Nexco Central là doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, vận hành đường cao tốc và được kỳ vọng sẽ đưa kinh nghiệm quản lý và công nghệ khai thác hiện đại vào dự án BOT này. Nhà đầu tư này còn có lợi thế về tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức lãi suất thấp từ JICA. Ngoài Bitexco - đối tác nội dự kiến cùng Nexco Central đầu tư Dự án, báo chí trong nước cũng thông tin: có khá nhiều nhà đầu tư trong nước đã nộp đơn xin triển khai Dự án.
Tuy nhiên, tháng 11/2013, thông tin Nexco Central chính thức rút khỏi Dự án sau thời gian dài đeo đuổi đã được công khai. Theo Bộ GTVT thì một trong những lý do là các đề xuất của Next Central không phù hợp với các yêu cầu của Bộ này.
Sau khi Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc Next Central không triển khai dự án tiếp, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tại Văn bản số 10745/VPCP-KTN ngày 20/12/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ GTVT tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư.
Chỉ định thầu với lý do cấp bách
Chuyển từ đấu thầu rộng rãi sang chỉ định nhà đầu tư dự án là một “điểm nhấn” của quá trình triển khai Dự án BOT PV-CG, với vị trí cửa ngõ Thủ đô và lượng xe qua lại lớn nhất miền Bắc, thậm chí có chuyên gia PPP cho rằng đây là “miếng bánh BOT ngon nhất”.
Thông cáo báo chí do Bộ GTVT phát đi ngày 11/5/2015 về Dự án BOT PV-CG cho biết: “Sau khi phía nhà đầu tư Nhật Bản không tham gia, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư trong nước để triển khai Dự án. Sau khi xem xét, nhà đầu tư được lựa chọn là Liên danh Cienco1 - Minh Phát - Phương Thành do đáp ứng yêu cầu đề ra”. Dường như hai từ “chỉ định” đã được ẩn đi một cách có chủ ý và được thay bằng cụm từ “lựa chọn”. Vậy thực chất, nhà đầu tư trong nước được lựa chọn như thế nào?
Theo Bộ GTVT, sau khi chấm thầu, kết quả cho thấy, hai tổ hợp Liên danh nêu trên đều đủ năng lực tổ chức triển khai thi công theo yêu cầu của Dự án. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị HSDT của các nhà đầu tư chưa đáp ứng quy định của HSMT do vi phạm các nội dung yêu cầu đề ra nên không đủ căn cứ để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Bộ GTVT cho rằng, nếu tiếp tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thời gian sẽ kéo dài thêm khoảng 4 - 6 tháng và kiến nghị “áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian triển khai” Dự án. Tại Văn bản số 5899/BGTVT-ĐTCT, Bộ GTVT cũng đề xuất chỉ định Liên danh Minh Phát - Cienco1 - Phương Thành là nhà đầu tư thực hiện Dự án.
Tại Văn bản số 4322/VPCP-KTN ngày 12/6/2014, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc triển khai Dự án BOT PV - CG theo hình thức Hợp đồng BOT, có nêu: “Bộ GTVT căn cứ tính cấp bách của Dự án để xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc chỉ định nhà đầu tư”.
Ngày 18/7/2014, Bộ GTVT và Liên danh nhà đầu tư Minh Phát - Cienco1 - Phương Thành ký Hợp đồng ký tắt số 38./HĐ.BOT-BGTVT về việc thực hiện BOT PV - CG nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội theo hình thức Hợp đồng BOT.
Trong Liên danh Minh Phát - Cienco1 - Phương Thành, Cienco 1 là doanh nghiệp hàng đầu của Bộ GTVT về thi công cầu đường, có vị thế dẫn đầu về năng lực, kinh nghiệm thi công và đặc biệt là có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động thu phí. Tuy nhiên, khi liên danh thành lập Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cienco 1 chỉ nắm giữ vỏn vẹn 18% vốn điều lệ. Cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp thực hiện Dự án BOT PV - CG là Minh Phát, nắm 65% vốn điều lệ, giữ vị trí Tổng giám đốc.
Và cuộc “nội chiến”, phải chăng đã có nguyên nhân sâu xa ngay từ khi “chia phần” Dự án? Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.