Phá thế khó khăn, đạt chỉ tiêu cao nhất về kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cho rằng năm nay Việt Nam phấn đấu đạt các mục tiêu cao nhất về kinh tế - xã hội trong một bối cảnh đặc biệt chưa từng có, nhiều đại biểu Quốc hội gợi ý cần có giải pháp đặc biệt, đột phá, để không chỉ vực dậy nền kinh tế mà còn nhanh chóng chớp được cơ hội hậu Covid-19.
Nếu không có giải pháp đặc biệt, Việt Nam sẽ khó giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công trong năm nay và khó cạnh tranh được với các nước trong thu hút FDI. Ảnh: Lê Tiên
Nếu không có giải pháp đặc biệt, Việt Nam sẽ khó giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công trong năm nay và khó cạnh tranh được với các nước trong thu hút FDI. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội thay đổi hậu Covid

Chiều 8/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và một số vấn đề khác. Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao điều hành của Chính phủ trong công tác chống dịch và giữ ổn định kinh tế thời gian qua. Các ý kiến nhận định điều hành của Chính phủ rất đúng đắn, kịp thời, linh hoạt, phát huy sức mạnh từ nguồn nội lực, từ đó cho thấy nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt là ở thị trường nội địa.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng kết quả của 5 tháng qua về chống dịch và phát triển kinh tế có thể coi là kỳ tích. Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ dịch bệnh cao nhất nhưng đã đi đầu thế giới về phòng chống dịch. Về kinh tế, trong bối cảnh thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam dù nền kinh tế có độ mở lớn vẫn tăng trưởng dương có thể coi là kết quả rất ấn tượng, cho thấy năng lực cân bằng nội tại của nền kinh tế rất tốt. Qua đợt dịch cũng cho thấy nhiều chính sách táo bạo được áp dụng mà trước nay chưa từng có tiền lệ như trợ cấp trực tiếp cho người dân, thể hiện tinh thần phát triển bao trùm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Có được thành công này, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, một nguyên nhân quan trọng là đã đặt bối cảnh chống dịch như thời chiến, dẫn đến nhiều hoạt động quản lý gần như không theo các quy trình, quy tắc thông thường. “Sự bất quy tắc để đưa ra quyết định kịp thời, quyết định dựa vào kết quả cũng là bài học lớn cho hoạt động quản lý trong tương lai. Đổi mới sáng tạo đầu tiên phải trong quản lý và thước đo của quản lý phải dựa trên kết quả, đánh giá dựa trên kết quả chứ không tuân thủ quy trình, không phải tiền kiểm mà hậu kiểm”, đại biểu Hoàng Văn Cương chia sẻ.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh rằng tình huống đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, ví dụ trong giải ngân vốn đầu tư công, trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài… nếu không có giải pháp đặc biệt sẽ khó giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công rất lớn trong năm nay, hay cũng khó cạnh tranh được với Ấn Độ, một số nước ASEAN khác trong thu hút dòng vốn dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc. Việt Nam không có giải pháp đặc biệt để chuẩn bị sẵn sàng về mặt bằng, con người, hạ tầng… thì chưa chắc đã tạo ra lợi thế để thu hút mạnh dòng vốn, vì năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện còn yếu. 

Nỗ lực phấn đấu cao nhất

Thông tin thêm tới đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế tháng 4 xấu, tháng 5 có chuyển biến tích cực nhưng tháng 6 có dấu hiệu khó khăn. Trong tình hình đó Chính phủ đã theo dõi hết sức chặt chẽ từ việc chống dịch, sau đó là khắc phục, phục hồi nền kinh tế qua các giải pháp, gói hỗ trợ; từ chính sách tiền tệ, tài khóa được làm đầy đủ kịp thời để giúp doanh nghiệp có thể cầm cự, duy trì vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, để không đứt gãy chuỗi cung ứng, sau đó các doanh nghiệp mới có thể phục hồi.

Về dự báo, nhìn chung tình hình kinh tế thế giới rất khó khăn. Với Việt Nam, khi chưa có vacxin, chưa có thuốc đặc trị thì cũng chưa nói lên điều gì ngoài việc kích cầu trong nước. “Chúng tôi liên tục tính toán và đưa ra 2 kịch bản... Sau khi bàn trong Chính phủ, cân nhắc về mọi mặt, Chính phủ chọn phương án báo cáo Quốc hội tăng trưởng năm nay phấn đấu đạt 4,5%. Mặc dù đây là mức rất cao, nhưng nếu đặt mục tiêu thấp xuống không còn động lực phấn đấu, mà tinh thần chúng ta là đạt ở mức cao nhất, không quá đặt nặng vào mấy %, quan trọng là làm thế nào để có giải pháp đủ, đúng, kịp thời và phải thực hiện cho được để nắm các cơ hội, mang lại kết quả cao nhất”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, tất cả các nhiệm vụ, giải pháp đã có, nếu thực hiện hiệu quả các giải pháp đã là quá tốt. Trong đó tập trung vào các vấn đề tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp; giải ngân nhanh và hết vốn đầu tư công, mọi năm giải ngân xấp xỉ 80%, còn lại chuyển sang năm sau, còn năm nay đặt mục tiêu giải ngân trên 90%, góp phần bù đắp cho ảnh hưởng vừa qua.

Bên cạnh đó là tranh thủ sự dịch chuyển hiện nay của dòng vốn đầu tư. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, thu hút đầu tư cần có chọn lọc, có tiêu chí: vốn trên diện tích đất, chuyển giao công nghệ, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam.  Nếu doanh nghiệp Việt Nam không tham gia được thì không lớn mạnh được. Doanh nghiệp trong nước hiện nay yếu về năng lực cạnh tranh, về vốn, mặt bằng, công nghệ, thị trường… qua Covid lại càng khó khăn hơn.

Giải pháp quan trọng tiếp theo là tập trung kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa, tập trung triển khai dự án quan trọng, trọng điểm để phục hồi nền kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.

Chuyên đề