“Phá băng” điểm nghẽn, hiện đại hóa hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng so sánh, trước đây triển khai một dự án đường bộ cao tốc với các khâu chuẩn bị đầu tư mất 3 năm. Hiện nay, việc áp dụng cơ chế đặc thù đã rút ngắn khâu chuẩn bị xuống 1 năm. Thực tế trên minh chứng việc ban hành các cơ chế, chính sách mới, mạnh dạn hơn đã “tháo điểm nghẽn”, góp phần đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Khâu tổ chức thực hiện đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc có nhiều điểm thay đổi đột phá so với cách làm ở giai đoạn trước. Ảnh: Lê Tiên
Khâu tổ chức thực hiện đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc có nhiều điểm thay đổi đột phá so với cách làm ở giai đoạn trước. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 2/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 760/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 19.617 tỷ đồng. Tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao trên hành lang vận tải nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh, thúc đẩy phát triển chuỗi công nghiệp, đô thị Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng tạo động lực liên kết các không gian kinh tế vùng Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Điểm đáng chú ý là việc đầu tư Dự án áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Theo phương án tài chính, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 9.943 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.491 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư); phần vốn nhà nước tham gia trong Dự án khoảng 9.674 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 2.872 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 6.802 tỷ đồng). Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện Dự án được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định. Dự án cũng áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật PPP và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP. UBND TP.HCM được giao là cơ quan có thẩm quyền. Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện Dự án từ năm 2024 - 2027.

Ngoài ra, TP.HCM cùng các địa phương như Bình Dương, Bình Phước… đang phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị triển khai 2 dự án đường bộ cao tốc quan trọng khác. Đó là cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với tổng chiều dài 55 km, tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng, đi qua TP.HCM và 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Trong đó, đoạn qua Bình Dương dài 45,7 km được đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng vốn khoảng 17.408 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Dương đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để khởi công vào cuối năm 2024. Thứ hai là Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành với tổng mức đầu tư 25.540 tỷ đồng đang được Chính phủ xây dựng nghị quyết triển khai thực hiện. Theo Nghị quyết số 138/2024/QH15, dự án này có phạm vi đầu tư khoảng 128,8 km, chia thành 5 dự án thành phần (DATP); cơ cấu vốn đầu tư gồm: vốn ngân sách trung ương 10.536,5 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng, vốn do nhà đầu tư thu xếp là 12.770 tỷ đồng. Niên độ thực hiện Dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Điểm chung của 2 dự án trên là việc phân cấp cho các địa phương làm đơn vị chủ quản và đa dạng hóa trong huy động nguồn lực, nhằm đạt những bước tiến dài trong triển khai.

Tương tự, nhìn lại các dự án cao tốc trọng điểm trục dọc (cao tốc Bắc - Nam), trục ngang (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…), Vành đai 3 TP.HCM… đang trong giai đoạn thi công cho thấy, khâu tổ chức thực hiện có nhiều điểm thay đổi đột phá so với cách làm ở giai đoạn trước. Theo đó, chủ trương đầu tư được thể chế hóa thành các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đồng thời áp dụng nhiều cơ chế đặc thù góp phần rút ngắn quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo đột phá cho các dự án.

Phát biểu trong một dịp khởi công cao tốc gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, kết quả xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn từ năm 2020 đến nay mang lại nhiều bài học kinh nghiệm rất quý để triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông tốt hơn, hiệu quả hơn. Theo đó, công thức mới chính là “cơ chế đặc thù”, bao gồm: phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản; huy động nguồn lực; triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện, giao mỏ khoáng sản làm vật liệu cho nhà thầu, chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, xây lắp.

Hiện tại, tiến độ xây dựng các dự án cao tốc cơ bản được đảm bảo theo kế hoạch đưa vào vận hành đồng bộ năm 2027. Nhiều vấn đề được nhận diện là “thâm căn” trước đây như tạo nguồn vốn, các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, thực hiện dự án được hóa giải, giúp thúc đẩy, rút ngắn thời gian triển khai.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, UBND Tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản DATP 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1. Đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức triển khai đầu tư một dự án hạ tầng quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, thời gian gấp rút. Trong đó phải giải quyết nhiều vấn đề khó như: lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; nguồn vật liệu xây dựng… Việc vận dụng các cơ chế đặc thù đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư. Khó nhất là cơ chế giao mỏ vật liệu cho nhà thầu. Đến nay, Sóc Trăng đã hoàn thành giao 5 mỏ cát phục vụ xây dựng cao tốc, khởi công DATP 4 vượt mốc thời gian đề ra. Kết quả đó cho thấy, cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương làm cơ quan chủ quản dự án đường cao tốc là đúng đắn, tạo đột phá cho công cuộc đầu tư hạ tầng giao thông.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho rằng, việc áp dụng cơ chế đặc thù trong huy động nguồn lực đầu tư theo hướng đa dạng các nguồn vốn đã “thổi làn sinh khí mới”, gỡ điểm nghẽn về vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Minh chứng là Dự án Vành đai 3 - TP.HCM kết hợp ngân sách trung ương - ngân sách các địa phương bố trí theo tỷ lệ linh động. Dự án có 8 DATP được vận hành độc lập với tổng mức đầu tư trên 75.000 tỷ đồng, do 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An triển khai đồng thời.

Theo ông Phúc, cơ thế đặc thù không chỉ giải bài toán về vốn mà còn gỡ nhiều vấn đề khó trong quy trình triển khai đầu tư. Riêng với TP.HCM, chưa bao giờ Thành phố nhận được hỗ trợ mạnh mẽ về cơ chế như hiện nay. Theo đó, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã tạo nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng giao thông, hình thành cách tiếp cận mới thực hiện các dự án. Đơn cử, khâu chuẩn bị đầu tư Dự án Vành đai 3 - TP.HCM chỉ trong 1 năm đã được duyệt và khởi công.

Trong quá trình vận dụng cơ chế đặc thù, các địa phương lần đầu được giao vai trò đơn vị chủ quản dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có sự chuyển động “nâng mình lên” để theo kịp yêu cầu đầu tư. Nhờ đó, bức tranh chung về kết cấu hạ tầng giao thông đang “thay da đổi thịt” nhanh chóng. Từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km, dần tiến tới mục tiêu 3.000 km vào năm 2025. Những kết quả trên là rất cụ thể, có thể cân, đong, đo, đếm được.

Chuyên đề