PGBank: Kỳ vọng gì khi Petrolimex thoái vốn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) là ngân hàng có quy mô tài sản, nguồn vốn nhỏ trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Sau 10 năm không chia cổ tức, không tăng vốn, việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thoái vốn được kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho PGBank.

Khám sức khỏe PGBank

Năm 2022, báo cáo tài chính tự lập của PGBank cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt 505,7 tỷ đồng, tăng 53,7% so với năm 2021 và vượt 24% kế hoạch. Ngoại trừ lợi nhuận từ mua bán chứng khoán đầu tư sụt giảm, thu nhập lãi thuần, thu nhập từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối đều tăng trưởng mạnh.

Đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh môi trường kinh doanh của ngành ngân hàng năm 2022 có nhiều khó khăn như mặt bằng lãi suất huy động tăng cao làm tăng chi phí đầu vào trong khi tăng trưởng tín dụng đầu ra gặp khó, các lĩnh vực cho vay có biên lợi nhuận cao như bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ, hoạt động đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn phát hành, phân phối cũng gặp nhiều khó khăn do diễn biến thị trường tiêu cực.

Tuy vậy, đã xuất hiện những tín hiệu tiêu cực trong kết quả kinh doanh quý IV/2022 của PGBank như thu nhập lãi thuần chỉ tăng trưởng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng của 2 quý liền trước; biên lãi thuần đạt 42,7%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với biên lãi thuần 9 tháng, phản ánh áp lực tăng mặt bằng chi phí vốn bao gồm lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng.

Về các chỉ tiêu tài chính và chất lượng tài sản, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PGBank đạt 48.991 tỷ đồng, tăng gần 20,9% so với cuối năm 2021, tăng trưởng huy động vốn đạt 11,3% nhưng tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ đạt 5,6% - thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Giá trị nợ xấu nội bảng (nhóm 3 đến nhóm 5) tính đến cuối năm 2022 tăng 7,3% so với đầu năm, lên 744,5 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 16,3% và chiếm 75% giá trị nợ xấu nội bảng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 2,52% đầu năm lên 2,56% cuối năm 2022. Giá trị trái phiếu đặc biệt Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành mà PGBank nắm giữ đến cuối năm 2022 là 951,9 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm.

Nhìn chung, các chỉ tiêu tài chính, kinh doanh của PGBank đều tăng trưởng khá trong năm 2022, trong khi chất lượng nợ có tín hiệu xấu đi nhưng giá trị và tỷ lệ chưa đến mức đáng ngại. Tuy vậy, đây là dấu hiệu báo trước về triển vọng kinh doanh khó khăn trong năm 2023 với môi trường lãi suất cao, tăng trưởng tín dụng tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu đi vay và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng có quy mô tài sản, nguồn vốn nhỏ như PGBank bị đánh giá bất lợi hơn so với các ngân hàng quy mô lớn.

Trong cơ cấu dư nợ của PGBank đến cuối năm 2022, dư nợ từ nhóm kinh tế cá thể, hộ kinh doanh, cá nhân chiếm tỷ trọng cao nhất (44%), dư nợ cho vay ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản chiếm 18%. Điều này khiến triển vọng tăng trưởng của Ngân hàng nhạy cảm với bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực hay những rủi ro từ diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản, liên đới tác động sang nhóm ngành xây dựng. Song điểm tích cực là PGBank hầu như không có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, giúp giảm thiểu rủi ro từ những diễn biến bất lợi trên thị trường này.

Chất lượng nợ của PGBank được đánh giá thấp hơn một số ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu cao hơn và tỷ lệ dự phòng tổn thất thấp hơn

Chất lượng nợ của PGBank được đánh giá thấp hơn một số ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu cao hơn và tỷ lệ dự phòng tổn thất thấp hơn

Khối ngoại có cơ hội mua gần 30% cổ phần PGBank

Đầu tháng 2/2023, Hội đồng quản trị Petrolimex đã công bố nghị quyết thông qua phương án thoái toàn bộ 40% vốn đầu tư tại PGBank theo hình thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tỷ lệ sở hữu lớn và định hướng thoái toàn bộ của Petrolimex giúp PGBank hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài khi khối ngoại có thể mua gần 30% vốn của Ngân hàng, tương ứng 75% số cổ phần Petrolimex chuẩn bị đấu giá.

Quá trình thoái vốn của Petrolimex khỏi PGBank đã kéo dài nhiều năm với những mối lương duyên đổ bể vào “phút 90”, từ kế hoạch sáp nhập vào VietinBank (giai đoạn 2014 - 2017) đến đề án sáp nhập vào HDBank (giai đoạn 2018 - 2021). Việc chậm hoàn tất đề án thoái vốn của Petrolimex được đánh giá đã hạn chế đáng kể sự phát triển và sức cạnh tranh của PGBank trong giai đoạn thuận lợi, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhiều nhà băng liên tục mở rộng về quy mô tài sản, nguồn vốn, mạng lưới giao dịch.

Báo cáo của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc PGBank tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 cho biết, việc sáp nhập kéo dài tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của PGBank. Quy mô tổng tài sản, huy động vốn và cho vay đều tăng trưởng thấp và không đạt kế hoạch đề ra. Ngân hàng Nhà nước không cấp phép mở rộng mạng lưới trong quá trình sáp nhập, nhân sự nghỉ việc do thông tin sáp nhập, các ngân hàng, đối tác khác giảm giao dịch.

Chỉ riêng với việc tăng vốn điều lệ, lần tăng vốn gần đây nhất của PGBank là năm 2012. Hơn 10 năm qua, Ngân hàng không chia cổ tức, không tăng vốn với lý do được đánh giá là để tránh ảnh hưởng đến định giá cổ phiếu trong quá trình đàm phán sáp nhập với các ngân hàng khác. Điều này khiến PGBank hiện là một trong những ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất toàn hệ thống.

Nếu Petrolimex thoái vốn thành công, cổ đông PGBank kỳ vọng Ngân hàng sẽ ổn định cơ cấu sở hữu để mở ra giai đoạn phát triển mới mà trước tiên là việc chia cổ tức, tăng vốn điều lệ. Báo cáo tài chính của PGBank cho biết, tính đến cuối năm 2022, Ngân hàng đã tích lũy được lượng lợi nhuận chưa phân phối lên đến 1.267,7 tỷ đồng, tương ứng 42,2% vốn điều lệ.

Tính đến 31/12/2022, báo cáo tài chính của Petrolimex cho biết, khoản đầu tư vào PGBank có giá trị ghi sổ 1.834 tỷ đồng. Theo nghị quyết của Petrolimex, mức giá khởi điểm thoái vốn tại PGBank sẽ lấy giá cao nhất theo giá thẩm định theo phương pháp tài sản (21.300 đồng/cổ phần) hoặc giá tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu trên sàn UPCoM trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn. Với biến động giá cổ phiếu PGBank trên thị trường, nhiều khả năng mức giá 21.300 đồng/cổ phần sẽ là giá khởi điểm của đợt đấu giá sắp tới. Mức giá này cao hơn khoảng 40% so với giá trị sổ sách ghi nhận theo báo cáo tài chính của PGBank đến cuối năm 2022, tương ứng quy mô thoái vốn của Petrolimex khoảng 2.556 tỷ đồng.

Chuyên đề