PECC 1: Lợi nhuận thấp dù liên tục thắng thầu

(BĐT) - Những ngày cuối tháng 11/2016, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (PECC 1 - mã chứng khoán TV1) liên tục trúng các gói thầu trị giá hàng chục tỷ đồng. 
PECC 1 có mặt trong nhiều dự án lớn của ngành điện lực. Ảnh: Lê Tiên
PECC 1 có mặt trong nhiều dự án lớn của ngành điện lực. Ảnh: Lê Tiên

Có thể kể đến 3 gói thầu của Dự án Đường dây 500kV nhiệt điện Vũng Áng 3 - Quỳnh Lập với giá trúng thầu lần lượt là 35,6 tỷ đồng, 18 tỷ đồng và 7,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng vừa trúng 1 gói thầu thuộc Dự án Đường dây 500/200kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín.

Doanh thu và lợi nhuận “tí hon”

Nếu như PECC 2 có vốn điều lệ chỉ trên 50 tỷ đồng, PECC 1 có quy mô vốn gấp 5 lần. Tuy nhiên, so với người anh em PECC 2, PECC 1 có hiệu quả hoạt động khiêm tốn hơn hẳn.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm của PECC 1 cho thấy, doanh thu 9 tháng của Công ty đạt 348 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với cùng kỳ 2015. Chi phí lãi vay trong kỳ lên tới 78 tỷ đồng, là chi phí hoạt động đáng kể nhất của Công ty. Kết quả 9 tháng, PECC 1 lãi 24 tỷ đồng sau thuế, tăng nhẹ so với kết quả cùng kỳ 2015. Với kết quả này, chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong 9 tháng đầu năm của PECC 1 chưa đến 1.000 đồng. Trong khi đó, cũng trong 9 tháng đầu năm PECC 2 đạt EPS trên 10.000 đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của PECC 1 hết sức khiêm tốn như trên là gánh nặng nợ vay. Tính đến cuối tháng 9/2016, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của PECC 1 là 1.182 tỷ đồng, chiếm 61% giá trị tổng tài sản của Công ty tại cùng thời điểm. Việc một nhà thầu tư vấn nặng gánh nợ vay là vấn đề nhiều nhà đầu tư cần cân nhắc.

Phần lớn số dư nợ vay dài hạn của PECC 1 (trên 600 tỷ đồng) đều đến từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với mục đích đầu tư dự án Thủy điện Sông Bung 5. Được biết, hợp đồng tín dụng được ký kết năm 2009 và có thời hạn vay 13 năm. Dự án Thủy điện Sông Bung 5 là dự án do PECC 1 làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOO. Tính đến cuối năm 2015, công trình đã được thực hiện khoảng 98%, một số tổ máy đã bắt đầu phát điện trước đó. Năm 2014 và 2015, doanh thu bán điện của PECC 1 lần lượt đạt 128 tỷ đồng và 159 tỷ đồng.

Không chỉ vay nợ ngân hàng, PECC 1 còn vay ngắn hạn trên 337 tỷ đồng (tính đến cuối quý II/2016) của cán bộ, công nhân viên trong Công ty theo lãi suất thỏa thuận.

Cổ phiếu giao dịch trầm lắng

PECC 1 có lịch sử hình thành và phát triển trên 50 năm. Năm 2008, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Hiện tại vốn điều lệ của PECC 1 đạt 267 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm giữ 54,34% cổ phần, là cổ đông lớn nhất. So với đồng nghiệp PECC 2, PECC 1 có quy mô tổng tài sản và vốn điều lệ lớn hơn hẳn.
Trong khi cổ phiếu TV2 của “người anh em” PECC 2 hiện đang dẫn đầu thị trường chứng khoán về mức giá (đóng cửa phiên giao dịch đầu tháng 12 đạt 206.600 đồng/CP) thì cổ phiếu TV1 đang được giao dịch èo uột xung quanh mức giá 16.000 đồng/CP.

Hiện cổ đông lớn của PECC 1, ngoài EVN nắm giữ 54,34% cổ phần, cá nhân ông Lê Minh  Hà - Chủ tịch HĐQT nắm giữ 14,2% cổ phần.

Năm 2016 PECC 1 chủ trương giảm giá các gói thầu tư vấn, khảo sát, thiết kế thuộc lĩnh vực ngành nghề truyền thống và lĩnh vực mới, tiềm năng nhằm bảo đảm doanh thu, việc làm, thu nhập cho gần 1.300 người lao động trong Công ty. Bên cạnh đó, PECC 1 cũng lên kế hoạch tìm một số dự án thủy điện nhỏ và tìm kiếm đối tác đầu tư để hình thành tổ hợp cùng tham gia đầu tư xây dựng công trình và thực hiện công tác tư vấn khảo sát, thiết kế và quản lý dự án.

Không ngoại trừ hướng hoạt động đầu tư của PECC 1 sẽ tiếp tục đặt Công ty vào áp lực với những khoản nợ mới, khi ngay các khoản nợ cũ vẫn chưa được tất toán, thậm chí còn huy động vốn vay từ người lao động trong Công ty.

Sau 9 tháng, PECC 1 mới chỉ thực hiện 68,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016. Với những diễn biến nói trên, khả năng bứt phá của cổ phiếu TV1 là chưa thực sự rõ rệt.

Chuyên đề