Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng: Nên tính việc bơm thêm vốn cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Đó là chia sẻ của ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) về khó khăn của doanh nghiệp hiện nay trong việc tiếp cận các nguồn vốn trên thị trường tài chính sau biến động của tỷ giá và lãi suất.
Nếu lạm phát vẫn kiểm soát tốt thì nên tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Internet
Nếu lạm phát vẫn kiểm soát tốt thì nên tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Internet

Theo vị chuyên gia này, việc tăng lãi suất đồng nội tệ và lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 24/10 là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Mức tăng lãi suất 1 điểm % là không quá lớn so với mặt bằng lãi suất “cao sẵn” của Việt Nam.

Cùng với việc NHNN giá bán ra đồng USD, động thái điều hành lãi suất này giúp giảm sức ép điều hành tỷ giá USD/VND và sức ép với quỹ dự trữ ngoại hối, qua đó giúp kiểm soát và giữ ổn định tỷ giá USD/VND. Với thị trường ngoại hối, một điểm tích cực là cán cân thương mại thặng dư, giải ngân FDI tốt. Nhờ đó, nguồn ngoại tệ không khan hiếm. Việc tăng lãi suất, về cơ bản giúp cơ quan điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát tốt thị trường ngoại hối liên ngân hàng.

Ở khía cạnh khác, trần lãi suất huy động 6 tháng trở xuống tăng thêm 1 điểm % phù hợp với diễn biến trên thị trường. Thực tế, các ngân hàng thương mại đã đẩy lãi suất huy động ngắn hạn theo các cách khác nhau, chẳng hạn, chuyển các khoản huy động thành tiền gửi “6 tháng 1 ngày hoặc 6 tháng 3 ngày” thì vẫn áp dụng được mức lãi suất cao.

Tuy nhiên, theo ông Hòe, dù lãi suất tiền gửi đã tăng song nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại hiện nay không tăng nhiều. Nhu cầu vốn của nền kinh tế lớn nhưng ngân hàng cũng không thể đáp ứng được nhiều bởi thiếu hụt nguồn tiền và hạn chế về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Hay nói cách khác, có hiện tượng khan vốn, có thể dòng tiền trong dân cư đang chảy vào những kênh khác, trong đó có vàng và ngoại tệ mạnh.

Doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu. Trong khi đó, một nguồn tiền khác là chi tiêu công lại không đẩy ra được. Như vậy, nền kinh tế và doanh nghiệp đang khó khăn về vốn và khả năng thanh khoản.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, cần cân nhắc thực hiện các chính sách hỗ trợ để tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp.

“Trước hết, lạm phát của Việt Nam không quá cao. Với nền kinh tế tăng trưởng cao như vậy, cần xem lại việc đặt chỉ tiêu lạm phát ở mức 4%. Nếu tăng trưởng kinh tế đạt 7-8% thì lạm phát khoảng 5% không phải là vấn đề đáng lo ngại. Như vậy, nếu lạm phát vẫn kiểm soát tốt thì nên tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa trong giải ngân đầu tư công vào các dự án trọng điểm để vừa bơm tiền cho nền kinh tế, vừa hoàn thiện hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho những năm sau”, ông Hòe nhấn mạnh.

Chuyên đề