Ổn định và giảm mặt bằng lãi suất: Bài toán khó của ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Duy trì ổn định và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực lớn trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất vẫn còn diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và áp lực lạm phát cao gây khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ.
Việc giảm lãi suất là không dễ dàng bởi vì áp lực lạm phát năm tới rất lớn và mặt bằng lãi suất thế giới chưa chắc chắn sẽ giảm. Ảnh: Lê Tiên
Việc giảm lãi suất là không dễ dàng bởi vì áp lực lạm phát năm tới rất lớn và mặt bằng lãi suất thế giới chưa chắc chắn sẽ giảm. Ảnh: Lê Tiên

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 ngày 28/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng các lĩnh vực rủi ro.

Về lãi suất, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, 2022 là năm đặc biệt trong bối cảnh có nhiều bất ổn từ kinh tế thế giới như cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhiều ngân hàng trung ương thay đổi từ nới lỏng sang thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 7 lần liên tục lên gần 5%, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 40 năm qua. Các biến động vĩ mô toàn cầu đã gây ảnh hưởng lớn đến bức tranh kinh tế Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh. Trên thế giới, từ đầu năm 2022 đến nay, có tổng cộng 340 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu.

Từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. NHNN đã điều chỉnh tăng 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm.

Ngay sau động thái tăng lãi suất của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay có xu hướng tăng mạnh. Để giảm đà tăng mặt bằng lãi suất, ngày 22/12/2022, Thống đốc NHNN có Văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất. NHNN sẽ theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý.

Về xu hướng lãi suất trong năm 2023, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, năm 2023, dự báo FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất dù mức tăng sẽ không lớn. Trong nước, lạm phát cơ bản tháng 12 dự báo tăng trên 5,2%, gây áp lực lớn với lạm phát năm 2023. Do đó, duy trì ổn định và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất là một trong những nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực xuyên suốt của ngành ngân hàng.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 đã thành công theo hướng lựa chọn mục tiêu ưu tiên phù hợp với từng giai đoạn. NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành để kiểm soát tỷ giá nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, cùng với giai đoạn lãi suất tăng thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu rơi vào tình trạng khó khăn, khiến doanh nghiệp chật vật huy động vốn.

Ông Linh cho rằng, thị trường tài chính thế giới đang có những chuyển biến tích cực hơn. Dự báo xu hướng tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn còn nhưng sẽ không nhiều và mạnh như năm 2022. Mặt khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu có thể sẽ giảm căng thẳng nhờ việc hoãn thực hiện một số quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, thị trường chứng khoán có một số chuyển biến tích cực trong những ngày gần đây.

“Như vậy, có thể kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tìm được vốn từ thị trường vốn thay vì đặt hết gánh nặng lên hệ thống ngân hàng. Khi nguồn cung vốn không quá căng thẳng, đà tăng lãi suất có thể được kiềm chế. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất là không dễ dàng bởi vì áp lực lạm phát năm tới rất lớn và mặt bằng lãi suất thế giới có thể giảm đà tăng chứ chưa chắc chắn sẽ giảm. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, cần thúc đẩy việc thực hiện giảm lãi suất với những lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% trong năm sau”, ông Linh khuyến nghị.

Chuyên đề