“Nút thắt” xử lý các dự án yếu kém ngành công thương

(BĐT) - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, kể từ năm 2017 đến nay, các dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương có sự thay đổi ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn vướng mắc rất lớn, và “nếu không gỡ được thì tới 10 năm nữa việc xử lý tồn tại, yếu kém tại các dự án này vẫn không xong”.
Cần xử lý nhanh các dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, nhưng phải trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Ảnh: Danh Lâm
Cần xử lý nhanh các dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, nhưng phải trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Ảnh: Danh Lâm

Không xử lý nhanh sẽ mất vốn

Làm rõ thêm về chuyển động của việc xử lý tồn tại, yếu kém tại 12 dự án ngành công thương sau khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) tiếp nhận từ Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, đến nay đã thu được một số kết quả tích cực. Trong số 6 dự án trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, đã có 2 dự án bước đầu có lãi (1 dự án đang làm thủ tục đưa ra khỏi Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương), 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu bù đắp chi phí biến đổi, giảm lỗ, có dự án doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 xấp xỉ bằng cả năm 2018 (Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình). Đối với 3 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh thì nay đã có 2 dự án vận hành trở lại, 1 dự án sẵn sàng khởi động lại khi có thị trường thuận lợi…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin thêm, việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.

Trong số 12 dự án yếu kém ngành công thương, trừ Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đang được làm thủ tục đưa ra khỏi Đề án, đối với 11 dự án còn lại, theo Chủ tịch “siêu” Ủy ban, cơ bản các dự án đã mất 50% vốn. Với 50% vốn còn lại, nếu không xử lý nhanh thì sẽ không thu hồi được. Đồng tình với quan điểm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Trở ngại lớn của quá trình xử lý tồn tại, yếu kém tại các dự án này chính là xử lý tranh chấp hợp đồng EPC và kết luận của các cơ quan liên quan đến quyết toán các hợp đồng này”.

Xử lý tiếp theo như thế nào?

Nêu quan điểm xử lý 11 dự án còn lại, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, cần có cách tiếp cận mới, theo hướng thẳng thắn nhìn nhận là Nhà nước đã mất vốn, phải tìm cách xác định thu hồi vốn tốt nhất, còn việc thu hồi 100% là rất khó. “Nếu không có quan điểm như vậy thì rất khó xử lý”, ông Hoàng Anh đề xuất.

Đề cập về vai trò của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, vai trò của cơ quan này là chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ, còn DN phải là chủ thể, đề xuất giải pháp. Ban này không thể làm thay DN, nên tránh việc DN đề xuất giải quyết từng sự vụ mà không có giải pháp căn cơ. Hơn nữa, việc xử lý DN thua lỗ cũng phải trên cơ sở quy luật kinh tế, nguyên tắc thị trường, chứ không thể áp đặt biện pháp hành chính, phi kinh tế…

Nhất trí quan điểm phải xử lý nhanh các dự án yếu kém, thua lỗ, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc nhở, việc xử lý các dự án này cần phải trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. “Ví dụ, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang là “đống sắt vụn”. Để xử lý, Bộ Công Thương thuê tư vấn định giá 1.800 tỷ đồng, nhưng đấu giá 3 lần không ai mua. Sau đó, Bộ lại thuê tư vấn khác đánh giá lại, định giá còn 1.500 tỷ đồng, chào bán song cũng không ai mua… Vậy, nhà máy này có cho bán sắt vụn được không? Nếu cho bán sắt vụn khi thanh tra, kiểm toán thì xử lý như thế nào?”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Liên quan đến việc ngân hàng thương mại và công ty tài chính cung cấp tín dụng để thực hiện các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, đến nay thu hồi nợ gặp khó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trước khi cho vay, ngân hàng đã thẩm định gắn với trách nhiệm, nhưng bây giờ dự án đổ bể thì siết. Nếu siết mà dự án không sống được thì sẽ mất sạch… “Chia sẻ rủi ro ở đây là gì?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tới đây sẽ báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị, xin ý kiến về một số vấn đề tại dự án có đưa ra khiếu nại trọng tài quốc tế không, xử lý tranh chấp hợp đồng EPC thế nào? Bởi nếu không xử lý vấn đề hợp đồng EPC thì không thể xử lý được vướng mắc tại các dự án còn lại.

Chuyên đề