Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện nay, nhiều bên mời thầu (BMT), chủ đầu tư (CĐT) đã mạnh dạn đề xuất với người có thẩm quyền ban hành văn bản cấm thầu đối với nhà thầu có hành vi gian lận. Thống kê cho thấy, phần lớn nhà thầu bị cấm thầu có hành vi gian lận dẫn tới làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Thực tế, hành vi gian lận của nhà thầu hiện nay rất đa dạng và tinh vi. Những hành vi gian lận như kê khai nhân sự chủ chốt, hợp đồng tương tự, báo cáo tài chính không trung thực… đang được “bỏ qua” cho nhà thầu bị loại.
Một BMT tại TP.HCM chia sẻ đã kỳ công đi xác minh tại 4 trường đại học để chứng minh nhân sự của nhà thầu sử dụng bằng cấp giả. Tuy nhiên, đến nay, BMT này vẫn chưa đề xuất cấm thầu do “nhà thầu bị loại nên đang cân nhắc, có lẽ chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở”.
Một CĐT tại Bình Dương cho biết: “Phát hiện hành vi gian lận, nhưng tổ chuyên gia cho rằng, nhà thầu không trúng thầu không có cơ sở đề xuất cấm thầu. Bằng chứng gian lận của nhà thầu, CĐT sẽ lưu ý để phản pháo nếu nhà thầu kiến nghị phức tạp”.
Rõ ràng, cách áp dụng quy định hiện hành về xử lý hành vi gian lận của nhà thầu từ phía nhiều CĐT/BMT như trên đã vô tình khiến nhà thầu cố tình gian lận, bất chấp pháp luật để dự thầu bằng những hồ sơ có năng lực, kinh nghiệm ảo.
Theo quy định hiện hành, việc nhà thầu cố ý làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu nhằm thu được lợi ích, trốn tránh nghĩa vụ hoặc cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu (HSDT) làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu đều bị coi là gian lận trong đấu thầu. Nhà thầu có các hành vi gian lận này thì bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một BMT tại TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận, nếu các tổ chuyên gia đấu thầu làm đúng trách nhiệm quy định, người có thẩm quyền không có tâm lý nể nang, công tác chấn chỉnh đấu thầu sẽ quyết liệt hơn và hành vi gian lận của nhà thầu sẽ không còn tồn tại.
BMT này cho biết, 2 nhà thầu có hành vi gian lận đã bị BMT đề xuất cấm thầu lên Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dù không làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Khi Sở KH&ĐT vào cuộc, nhà thầu được mời lên làm việc và có hai lựa chọn. Cam kết không tái phạm, không dự thầu trên địa bàn trong thời hạn cụ thể đề xuất, hoặc sẽ bị cấm thầu. Sự quyết liệt của cả BMT lẫn Sở KH&ĐT đã có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với nhiều nhà thầu khác.
Chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến nhận định, nếu hiểu, chỉ khi làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu bằng những tài liệu gian lận thì nhà thầu mới bị cấm thầu là chưa đúng tinh thần của Luật Đấu thầu và coi nhẹ các yếu tố giám sát trong đấu thầu. “Trong quy định về trách nhiệm của tổ chuyên gia đấu thầu, nòng cốt nhất là bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong đấu thầu. Do đó, khi phát hiện hành vi gian lận, tổ chuyên gia cần đề xuất để CĐT, người có thẩm quyền xem xét, có hình thức xử lý thích đáng với nhà thầu. Có như vậy, nhà thầu mới nghiêm túc dự thầu bằng năng lực, kinh nghiệm thật”, bà Yến nhấn mạnh.
Theo đại diện một đơn vị tư vấn đấu thầu, các tổ chuyên gia cần mạnh dạn nêu rõ các hành vi gian lận, không trung thực của nhà thầu trong báo cáo đánh giá. Dù không xử phạt, cấm thầu, nhưng những thông tin này rất hữu ích đối với các CĐT/BMT khác khi đánh giá HSDT của nhà thầu có tiền sử gian lận.