Elizabeth Holmes tại phòng thí nghiệm của công ty. Ảnh:Wakelet |
Thông báo ra hôm qua của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) buộc tội Elizabeth Homes và cựu giám đốc của Theranos - Ramesh "Sunny" Balwani lừa đảo quy mô lớn. Hai người đã huy động vốn từ nhà đầu tư "thông qua một cơ chế lừa đảo tinh vi, lâu năm, dựa vào việc phóng đại hoặc làm giả thông tin về công nghệ, số liệu kinh doanh và tình hình tài chính của công ty".
SEC cho rằng Theranos đã khiến các đối tác hiểu nhầm về công nghệ, và đã sử dụng máy móc của bên thứ ba, thay vì của chính mình, sau đó chỉnh sửa để thực hiện một số xét nghiệm. Công ty này còn bị cáo buộc lừa dối về doanh thu dự báo, cũng như khẳng định với nhà đầu tư rằng họ đã được giới chức cấp phép sử dụng công nghệ xét nghiệm. Theranos và Holmes cũng bị cho là "dùng từ ngữ sai lệch" trong các văn bản truyền thông để đánh bóng tên tuổi.
SEC cho biết Theranos và Holmes đã đồng ý dàn xếp các cáo buộc nhằm vào họ. Theo đó, Holmes sẽ từ bỏ quyền kiểm soát công ty và đa phần sở hữu của cô trong đó. Còn với trường hợp của Balwani, SEC sẽ đưa trường hợp này lên tòa án liên bang ở San Francisco.
Theranos là một startup công nghệ từng được định giá tới 9 tỷ USD. Công ty này thành lập năm 2003, khi Elizabeth Holmes mới 19 tuổi. Cô đã bỏ ngang Đại học để tập trung cho hãng xét nghiệm máu này. Theranos từng được coi là bước đột phá trong ngành, do có các phương pháp xét nghiệm được quảng cáo chính xác, chi phí rẻ và chỉ cần vài giọt máu.
Tuy vậy, từ cuối năm 2015, công ty này vướng scandal phóng đại máy móc và công nghệ. Holmes bị giới chức Mỹ cấm sở hữu hoặc điều hành một phòng thí nghiệm bất kỳ trong ít nhất 2 năm. Theranos phải đóng cửa toàn bộ phòng thí nghiệm và đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra liên bang. Công ty này còn được cho là trên bờ vực phá sản cuối năm 2017.
Bản thân Elizabeth Holmes cũng từ nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2015 với tài sản 4,5 tỷ USD thành tay trắng năm 2016 trong danh sách của Forbes.