Nới “room” tín dụng để khơi thông vốn hỗ trợ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến thời điểm này, các ngân hàng đã đăng ký số tiền tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn có hướng dẫn rõ ràng hơn, đồng thời, nới hạn mức tín dụng để tạo thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện.
Việc một số ngân hàng không còn hạn mức tín dụng hoặc còn nhưng rất hạn chế sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: Lê Tiên
Việc một số ngân hàng không còn hạn mức tín dụng hoặc còn nhưng rất hạn chế sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thực hiện quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước (NSNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 31, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ và đăng ký số vốn hỗ trợ.

Đến nay, trên cơ sở đề xuất của các NHTM, NHNN đã đăng ký dự toán NSNN năm 2022, 2023 thực hiện hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng. NHNN cũng thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng NHTM để sớm triển khai.

Theo ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn lo khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này bởi quy định về điều kiện được vay khá chặt chẽ, như: không có nợ xấu, có doanh thu, lợi nhuận, có tài sản bảo đảm… “2 năm dịch Covid kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp giảm quy mô hoạt động hoặc ngừng sản xuất, kinh doanh, nhiều trường hợp không tránh khỏi nợ xấu. Do đó, nên xem xét nới điều kiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ”, ông Hùng nói.

Mặt khác, do các NHTM quá thận trọng trong việc xét duyệt và thẩm định thủ tục vay nên có thể nguồn vốn đến không kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện một số ngân hàng không còn hạn mức tín dụng hoặc còn nhưng rất hạn chế, lạm phát có xu hướng gia tăng khiến chính sách tiền tệ có xu hướng thắt chặt hơn. Điều này khiến tiến độ giải ngân các gói vay ưu đãi và khoản vay mới sẽ chậm lại. Do đó, theo ông Hùng, cần nhanh chóng nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.

Bên cạnh đó, Nghị định 31 quy định khoản vay được hỗ trợ lãi suất 2% là khoản vay chưa được hỗ trợ lãi suất từ NSNN theo các chính sách khác. Tuy nhiên, các NHTM không nắm được khách hàng đã được hỗ trợ từ chính sách khác hay chưa. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung này hoặc cho phép khách hàng cam kết trung thực, sau đó NHNN sẽ xác minh sau hoặc tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm trường hợp không trung thực.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, ngân hàng đã đăng ký thực hiện khoảng 5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo chính sách này, song vẫn lo ngại tình trạng “hỗ trợ nhầm” vì đến nay vẫn chưa giải quyết xong nhiều khoản tồn đọng từ gói hỗ trợ lãi suất của hơn 10 năm trước. Mặt khác, theo ông Ấn, đến thời điểm này, ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng 6% trong khi hạn mức tín dụng được cấp cho cả năm là 7%, do đó, với 1% hạn mức tín dụng cho cả 6 tháng còn lại của cả năm là bài toán rất khó.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, mối lo trước hết của TPBank là vẫn còn một số điểm chưa rõ về các khoản vay không được hỗ trợ lãi suất. Chẳng hạn, “không hỗ trợ lãi suất với khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn” nhưng thế nào là nợ quá hạn thì vẫn khó xác định bởi thực tế, nếu khách hàng trả nợ trong 10 ngày tính từ hạn trả nợ thì không bị chuyển thành nợ nhóm 2 - nợ chú ý. Do đó, ngân hàng này đề xuất cần làm rõ các quy định để tránh hỗ trợ nhầm, giống như nhiều khoản hỗ trợ từ năm 2010 vẫn chưa giải quyết được và đành chấp nhận tổn thất.

Mặt khác, theo ông Hưng, điểm khó nhất là giám sát doanh nghiệp sử dụng vốn hỗ trợ và thu hồi vốn vay, nếu không làm tốt thì ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn vốn của chính ngân hàng chứ không chỉ số tiền hỗ trợ lãi suất từ NSNN. Do đó, cần có cách hiểu thống nhất, rõ ràng, minh bạch thì mới yên tâm thực thi.

Từ phía NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu quan điểm: “NHNN nhất trí về việc cần thống nhất cách hiểu trong các ngân hàng. Các NHTM cần chủ động ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, NHNN sẽ giám sát, nếu thấy quy định ‘chặt’ hơn nội dung tại Nghị định 31 và Thông tư 03 thì sẽ cho ý kiến”.

Về giải ngân khoản hỗ trợ lãi suất này, theo ông Tú, từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay thuộc các nhóm đối tượng thụ hưởng hỗ trợ lãi suất đã là 2,8 triệu tỷ đồng. Số này được tính vào tổng mức giải ngân của gói này. Vấn đề hạn mức tín dụng sẽ tiếp tục được xem xét, các NHTM cần khẩn trương hoàn thiện quy chế nội bộ và bắt tay thực hiện.

Chuyên đề