Nới room tín dụng cho ngân hàng, lãi suất có thể tăng?

0:00 / 0:00
0:00
Lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong ngắn hạn, nhưng khi các ngân hàng thương mại được nới room tín dụng thì nhiều khả năng lãi suất tiền gửi có thể tăng...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số liệu trong tuần trước (14/6 – 18/6), thị trường mở không có giao dịch mới. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ hút ròng 1,08 tỷ đồng trở lại do khoản mua kỳ hạn đáo hạn.

Lãi suất VND liên ngân hàng giao động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày tuần, các mức lãi suất giao dịch ở mức qua đêm 1,07%; 1 tuần 1,25%; 2 tuần 1,35% và 1 tháng 1,53%.

Như vậy, sau quãng thời gian tăng nóng ở tuần đầu tháng 6, lãi suất liên ngân hàng đã nhanh chóng hạ nhiệt và quay về mặt bằng cũ.

Với diễn biến trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt và vẫn dồi dào. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt.

“Ngân hàng Nhà nước không chủ quan với lạm phát, song thanh khoản hệ thống đang rất dồi dào và cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất hiện nay”, ông Tú nói.

Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán SSI, bên cạnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số ngân hàng thương mại đã tăng trưởng tín dụng chạm hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp cho năm 2021 cũng khiến giải ngân tín dụng chững lại và là nguyên nhân chính khiến thanh khoản dồi dào. Trong gần 1 tháng vừa qua, huy động đang tăng trưởng tốt hơn tín dụng, chênh lệch tiền gửi – tín dụng mở rộng thêm khoảng 41 nghìn tỷ đồng.

Hiện đã có khoảng 10 ngân hàng thương mại gửi đề nghị xin nới room tín dụng và Ngân hàng Nhà nước đang xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng này.

Do đó, nhóm nghiên cứu tại SSI cho rằng, lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong ngắn hạn, nhưng khi các ngân hàng thương mại được nới room tín dụng thì lãi suất tiền gửi có thể tăng. “Lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng trong nửa cuối năm 2021”, SSI nhấn mạnh.

Được biết, tiền gửi từ dân cư vào ngân hàng tăng chậm lại. Theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4, tiền gửi của dân cư tăng 2,34% so với đầu năm, ở mức gần 5,3 triệu tỷ đồng. Con số này thấp hơn cùng kỳ năm 2020, là 3,37%.

Đây là năm thứ tư liên tiếp, tốc độ tăng trưởng tiền gửi chậm lại. Xu hướng trên cũng tương tự với con số cả năm, trong giai đoạn 2016-2020. Điều này cho thấy người dân đang có xu hướng bớt gửi tiền vào ngân hàng. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó. Đến năm 2020, con số này còn 6,46%.

Quay lại tuần trước, tâm điểm tuần qua là cuộc họp tháng 6 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tại phiên họp này, FED dự báo lần nâng lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2023, thay vì 2024 như dự báo tại các lần họp trước.

Trong đó 11/18 quan chức FOMC cho rằng lãi suất sẽ tăng 2 lần trong 2023, 7/18 người còn dự báo lãi suất sẽ tăng trong năm 2022. Chủ tịch FED cũng tuyên bố đã bắt đầu thảo luận về thời điểm cắt giảm chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD vì nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt. Dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ tăng từ 6,5% lên 7%; lạm phát tăng từ 2,4% lên 3,4%.

Mặc dù các chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn đang được duy trì nhưng rõ ràng áp lực điều chỉnh chính sách của FED đang ngày càng lớn và đã tác động mạnh mẽ tới thị trường ngoại hối toàn cầu. Chỉ số DXY tăng mạnh lên 92,2 – mức cao nhất trong hơn 2 tháng qua, các đồng tiền khác đều mất giá khá nhiều so với USD trong tuần qua (EUR -2%; GBP -2,1%; CNY -0,85%; JPY -0,5%; CAD – 2,5%...). Trái phiếu chính phủ Mỹ các kỳ hạn dưới 10 năm giảm giá khá mạnh, vàng cũng mất giá tới 6%, rơi về mức thấp nhất 2 tháng là1.764 USD/oz.

Tại Việt Nam, chịu tác động của thị trường quốc tế và thông tin cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục nhập siêu khoảng 1,35 tỷ USD trong nửa đầu tháng 6 (lũy kế nhập siêu gần 2 tỷ USD từ đầu năm đến 15/6), tỷ giá trung tâm USDVND tăng 47đ/USD.

Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại tăng 50 VND chiều mua vào và 20 VND chiều bán ra, lên mức 22.880/23.110; tỷ giá tự do tăng 65 VND chiều mua vào và 85 VND chiều bán ra, lên mức 23.095/23.165.

"Mặc dù cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá cân bằng, dòng kiều hối và FDI vẫn khá tích cực nhưng tỷ giá USD/VND có thể chịu áp lực tăng trong ngắn hạn do xu hướng tăng của USD trên thị trường quốc tế", nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.

Chuyên đề