Nới quy mô chỉ định gói thầu cao tốc lên 3.000 - 8.000 tỷ đồng: Các “ông lớn” nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - So với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vào tháng 9/2022, quy mô mỗi gói thầu xây lắp của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vừa được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã tăng từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng lên 3.000 - 8.000 tỷ đồng. Các nhà thầu lớn đều cho rằng họ đảm nhận được gói thầu có giá trị 8.000 tỷ đồng và cách phân chia này sẽ giúp quản lý tốt hơn. 
Việc tăng quy mô mỗi gói thầu sẽ nhắm đến những nhà thầu lớn thực sự để tham gia thi công cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa: Internet
Việc tăng quy mô mỗi gói thầu sẽ nhắm đến những nhà thầu lớn thực sự để tham gia thi công cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa: Internet

Tháng 9/2022, Bộ GTVT có văn bản gửi Chính phủ đề xuất chia 12 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với tổng chiều dài 729 km thành 30 gói thầu, phạm vi 20 - 40 km/gói thầu, số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 thành viên/nhà thầu, giá trị từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng/gói thầu.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với 25 gói thầu xây lắp, giá trị các gói thầu từ 3.000 - 8.000 tỷ đồng. Cụ thể, có 15 gói thầu có quy mô từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, 5 gói thầu có quy mô từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng và 5 gói thầu có quy mô từ 6.000 - 8.000 tỷ đồng. Như vậy, so với văn bản đề xuất gửi Chính phủ vào tháng 9/2022, số lượng gói thầu xây lắp của 12 dự án thành phần trên đã giảm 5 gói thầu và có 10 gói thầu có quy mô trên 5.000 tỷ đồng. Một số gói thầu có giá trị trên 6.000 tỷ đồng như: gói thầu xây lắp duy nhất của Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37 km (7.966 tỷ đồng); gói thầu xây lắp duy nhất của Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài hơn 35 km (6.045 tỷ đồng)…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo nhiều nhà thầu xây lắp lớn đều ủng hộ việc tăng quy mô và giá trị một số gói thầu trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Việc tăng quy mô mỗi gói thầu sẽ nhắm đến những nhà thầu lớn thực sự để tham gia thi công cao tốc Bắc - Nam.

Theo đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm 25 gói thầu nhưng khá đa dạng về quy mô, trong các gói thầu lớn đó vẫn có cả loại nhỏ hơn (từ 3.000 - 4.500 tỷ đồng), loại trung bình (từ 4.500 - 6.000 tỷ đồng) và loại lớn (từ 6.000 - 8.000 tỷ đồng). Khi Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 dự án thành phần cao tốc, một số người quan ngại về việc khó lựa chọn nhà thầu “đủ lớn” để làm các gói thầu cao tốc quy mô “khủng”. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những nhà thầu trong nước đảm nhận thực hiện công trình giao thông đến chục nghìn tỷ đồng hoặc 2 - 3 nhà thầu liên danh với nhau để thực hiện. Mỗi nhà thầu tùy thuộc vào năng lực của mình mà “ngắm” gói thầu phù hợp. Nhìn một cách tổng thể, việc tăng quy mô và giá trị gói thầu cao tốc sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý tập trung, dễ giám sát quá trình thực hiện, đồng thời làm đúng chỉ đạo của Chính phủ là không chia nhỏ gói thầu cao tốc.

Còn theo ông Lê Đức Thọ - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4, do các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 trải dài trên địa bàn nhiều địa phương, việc phân chia quy mô và giá trị gói thầu ngoài tính đến yếu tố năng lực của nhà thầu thực hiện còn phải dựa vào phạm vi, tính chất công việc, lý trình của công trình. Chẳng hạn, công trình đi qua địa bàn 2 tỉnh, mỗi địa bàn có những đặc thù địa lý khác nhau, nếu khó tách thành 2 gói thầu thì phải gộp lại 1 gói thầu, đương nhiên giá trị gói thầu sẽ tăng lên.

"Khi quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có những gói thầu quy mô lớn (trên 6.000 tỷ đồng), chắc chắn cơ quan quản lý đã nhìn thấy “sự khả thi” trong việc chỉ định các nhà thầu thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng đã có gần vài chục nhà thầu có kinh nghiệm thi công công trình xây lắp nghìn tỷ, vài ba nhà thầu liên danh với nhau là làm được công trình khoảng 6.000 tỷ đồng", ông Lê Đức Thọ nhận định.

Đại diện Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, khi phân chia các gói thầu cao tốc ở các ngưỡng quy mô khác nhau, các nhà thầu chắc chắn sẽ ưu tiên lựa chọn loại gói thầu “đúng tầm”. Chẳng hạn, nhà thầu đã có kinh nghiệm thực hiện gói thầu 3.000 tỷ đồng sẽ mong muốn thực hiện gói thầu có giá khoảng 6.000 tỷ đồng (vì pháp luật về đấu thầu yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng tương tự có giá trị 50% gói thầu đang xét). Khi đó, nhà thầu sẽ dồn toàn bộ nguồn lực để thực hiện 1 - 2 gói thầu vừa sức nhất, chứ không thực hiện dàn trải nhiều gói thầu. Do đó, việc quản lý tiến độ, chất lượng của các cơ quan chức năng tại các gói thầu cao tốc cũng thuận tiện và hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh yêu cầu về tiến độ các gói thầu cao tốc rất khắt khe và gấp gáp.

Theo một chuyên gia về đầu tư, hiện Bộ GTVT chưa công bố số lượng tối đa các nhà thầu liên danh trong 1 gói thầu. Tuy nhiên, để đảm bảo không chia nhỏ gói thầu, mỗi nhà thầu của liên danh làm 1 khúc, 1 đoạn trong dự án thành phần, tránh được sự dàn trải trong quản lý, thi công thì nên khống chế không quá 3 thành viên trong liên danh nhà thầu làm 1 gói thầu. Nhà thầu có sức đến đâu thì chỉ nên tập trung các nguồn lực làm một vài gói thầu phù hợp, không nên “ôm đồm” nhiều gói thầu cùng lúc rồi “tiến thoái lưỡng nan” bởi yêu cầu về tiến độ và chất lượng của các công trình cao tốc Bắc - Nam là rất cao và nghiêm ngặt.

Chuyên đề