Nội ngoại tranh bắt đáy, VNM kịch trần

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường đảo chiều tăng hàng loạt hôm nay nhưng ấn tượng nhất là các cổ phiếu bùng nổ thanh khoản. Nhiều mã hứng chịu áp lực cắt lỗ mạnh và dòng tiền bắt đáy cũng đẩy thanh khoản lên cao kỷ lục...
Diễn biến VN-Index
Diễn biến VN-Index

VNM thu hút chú ý hôm nay khi giá rơi xuống mức đáy 12 tháng. Tín hiệu bất ngờ là nhà đầu tư nước ngoài quay đầu mua ròng ngay từ sớm. Lực cầu dâng cao giúp VNM bật tăng mạnh mẽ, thậm chí đến mức kịch trần.

Tổng khối lượng giao dịch tại VNM phiên này lên gần 8,2 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 746 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản kỷ lục 3 năm ở mã này. Vừa hay VNM điều chỉnh liên tục xuống ngưỡng 86.000 đồng. Đây là mức thaaos nhất 12 tháng.

Lực cầu bắt đáy dâng cao đã đảo ngược giá VNM lên kịch trần. Thực tế giao dịch cổ phiếu này giằng co khá lâu. Tuy nhiên đến cuối phiên bên mua đã áp đảo hoàn toàn. VNM tăng hết biên độ trở lại mức 93.000 đồng. Dù vậy mức giảm 9 phiên trước tới gần 12,6% vẫn gây ra thiệt hại lớn.

VNM không còn là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, nhưng vẫn nằm trong nhóm hàng đầu. Mức tăng mạnh của mã này giúp VN-Indexx có được 4,5 điểm. Điều tạo nên sự phấn khích là nhà đầu tư nước ngoài cũng tranh mua VNM. Khối ngoại mua ròng khoảng 46,7 tỷ đồng tại mã này, sau nhiều tuần bán ròng liên miên.

Thực tế mức mua ròng tại VNM vẫn còn khá nhỏ so với tổng thanh khoản. Tuy vậy việc nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều mua vào là một tín hiệu rất bất ngờ. VNM phá đáy 4 tháng cũng chủ yếu do áp lực bán quá lớn từ khối ngoại. Vì vậy việc dòng vốn này đảo chiều mua trở lại là một tín hiệu tích cực, kích thíc nhà đầu tư trong nước mua nhiều hơn. Tỷ lệ thanh khoản từ phía nhà đầu tư trong nước vẫn chiếm trên 66% tổng giao dịch tại VNM.

VNM không phải là blue-chips duy nhất kịch trần hôm nay. MSN, TPB cũng là các cổ phiếu tăng hết biên độ trong rổ VN30. Đáng tiếc là chỉ có MSN lọt top 10 mã vốn hóa cao nhất, do đó sức đẩy đối với VN-Index cũng bị giới hạn. Bù lại, rổ VN30 chỉ có 7 mã tăng, 23 mã tăng giá với 3 mã kịch trần. Chỉ số của rổ này đóng cửa tăng 2,23%, mức tăng cao nhất trong 9 phiên.

Có tới 15 cổ phiếu trong rổ VN30 tăng trên 2% phiên này cho thấy sức mạnh của các blue-chips là thực tế. Ngoài nhóm kịch trần, còn có VHM tăng 2,06%, VCB tăng 1,13%, TCB tăng 2,23%, BID tăng 1,85%, CTG tăng 2,28%, GAS tăng 2,38%, HPG tăng 3,62%...

Có thể thấy mức tăng của các blue-chips đều ấn tượng, đông thời thu hút được lượng vốn khủng. Tổng giá trị khớp tại nhóm VN30 lên tới gần 13.822 tỷ đồng, tăng 5% so với phiên trước và là mức cao kỷ lục. 5 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường vẫn là VPB, HPG, MBB, CTG, STB. Có thể thấy rất rõ dấu ấn của cổ phiếu ngân hàng. Đây vẫn là các mã thu hút dòng tiền ấn tượng nhất.

Độ rộng của sàn HSX thực ra không quá chênh lệch trong một phiên VN-Index tăng 1,43%. Tỷ lệ tăng/giảm trên độ rộng khoảng 1:0,73, nghĩa là số mã giảm giá vẫn nhỉnh hơn. Khác biệt chính là sức mạnh của nhóm blue-chips.

Điều này phần nào được xác nhận qua mức tăng có phần kém ở các nhóm cổ phiếu khác: Midcap Index chỉ tăng 0,38%, Smallcap còn giảm 0,13%. Đặc biệt các cổ phiếu vốn hóa nhỏ có tỷ lệ tăng/giảm chỉ là 1:0,53. Nhiều mã giảm rất mạnh như AMD, NHA giảm sàn, FTM giảm 6,37%, DAH giảm 5,06%, TLD giảm 6,48%, ASM giảm 4,09%, DLG giảm 3,7%...

Thay đổi đáng chú ý nhất hôm nay chính là động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Tuần trước khối này bán ròng kỷ lục hơn 3.000 tỷ đồng chỉ riêng với cổ phiếu HSX. Hôm nay sàn này đã được mua ròng gần 90 tỷ đồng. CTG vẫn bị bán khổng lồ với khoảng 7,1 triệu cổ phiếu trong tổng giao dịch 25,2 triệu cổ. Mức bán ròng tính theo giá trị lên tới 314 tỷ đồng.

Điểm tích cực là không có nhiều mã bị bán ròng quá nhiều. Ngoài CTG, chỉ có KBC, VCB, KDH, PLX, VIC, NVL, SAB, MSN là đạt mức bán ròng trên 20 tỷ đồng. VHM, MSB được mua ròng trở lại tương ứng 133,6 tỷ và 110,7 tỷ đồng. HPG, VRE, MBB, VNM, SSI, GMD, NKG, HDB cũng là các mã được mua ròng rất tốt.

Hạn chế nếu có chính là cơ cấu cổ phiếu tăng giá. Sự thiếu vắng của VIC tăng khá đuối đã giảm cường độ tăng ở chỉ số. Dù vậy VIC vẫn có một phiên phản ứng mạnh mẽ sau tin cắt mảng điện thoại thông minh và TV của Vingroup. VIC ban đầu sụt giảm tới 2,2% so với tham chiếu, nhưng sau đó quay đầu tăng 0,38%. Khối tự doanh ghi nhận mua ròng VIC khoảng 18 tỷ đồng. Mức điều chỉnh của VIC khoảng 8% kể từ đỉnh tháng 4 đang khuyến khích hoạt động bắt đáy.

Tính chung về thanh khoản, hai sàn hôm nay không nhận thêm được nhiều vốn, khi giá trị khớp lệnh chỉ tăng 2,5% so với phiên trước, đạt 23.810 tỷ đồng. Dù vậy đây vẫn là mức giao dịch chỉ kém phiên kỷ lục 20/4 vừa qua. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang quan tâm tới thị trường và các cổ phiếu điều chỉnh nhiều trong ngắn hạn vẫn thu hút được chú ý.

Chuyên đề