Nợ xấu tăng, nhà băng tăng trích lập dự phòng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không bán được hàng, bị đứt gãy chuỗi sản xuất…, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ và làm gia tăng nợ xấu cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Dù nhiều nhà băng công bố kết quả kinh doanh khả quan nhưng tỷ lệ nợ xấu có thể tiếp tục xấu đi trong bối cảnh các ngân hàng được phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều DN không bán được hàng, bị đứt gãy chuỗi sản xuất…, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ và làm gia tăng nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều DN không bán được hàng, bị đứt gãy chuỗi sản xuất…, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ và làm gia tăng nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu đối với 15 ngân hàng quy mô lớn, tổng nợ xấu nội bảng ở mức 100.457 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, 9 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trong 9 tháng đầu năm 2021. Điều này đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước bởi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. 2 trong số 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021 là VietinBank, Vietcombank cho thấy sự gia tăng mạnh của nợ xấu. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng này vẫn ở mức cho phép dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cụ thể, tại Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9/2021 ở mức 1,16% so với con số 0,62% thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng 1.298% lên 3.121 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng 45% và chiếm tới 60% tổng nợ xấu, nợ nhóm 3 tăng 121,8%. Tại VietinBank, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 0,93% thời điểm đầu năm lên mức 1,66% vào cuối quý III/2021. Về giá trị tuyệt đối, tổng nợ xấu tăng 90% lên 18.097 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng 621%, chiếm 64% tổng nợ xấu, nợ nhóm 3 tăng 57% và nợ nhóm 5 giảm 41%.

Nợ xấu tại BIDV có diễn biến khả quan hơn so với 2 ngân hàng trên khi giảm từ 1,76% đầu năm 2021 xuống 1,61%, cuối tháng 9/2021 ở mức 21.433 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 85%, nợ nhóm 4 tăng 28%, nợ nhóm 5 giảm 16% xuống 13.881 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu giảm như MBBank, ở mức 0,94% so với con số 1,08% đầu năm 2021; TPBank ở mức 1,035% so với 1,18% thời điểm đầu năm, hay SeABank giảm từ 1,85% xuống còn 1,68% cuối quý III/2021. Đặc biệt là SCB, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này giảm mạnh từ mức 2,3% xuống còn 1,04%.

Theo đánh giá của Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), mức độ tăng của nợ xấu là hợp lý và có thể kiểm soát được do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, mức nợ xấu của các ngân hàng nội trước đại dịch tương đối thấp, thậm chí rất thấp ở một số ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu chỉ từ 0,4% - 0,6%. Do đó, việc tăng từ mức nền so sánh thấp trở lại mức bình thường khiến tỷ lệ nợ xấu có vẻ tăng tương đối cao, có thể tăng gấp đôi lên mức nợ xấu bình thường là 1 - 1,2%. Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ nợ xấu tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu. Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết ngân hàng vẫn ở mức cơ bản và khá. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng đã được tăng cường.

Trước viễn cảnh nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro dù điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận. Đơn cử như Vietcombank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý III tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2.512 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, chi phí này ở mức 8.012 tỷ đồng, tăng 33%. Tại ACB, riêng trong quý III/2021, chi phí dự phòng rủi ro đã tăng hơn 5 lần so với quý III/2020, lên 820 tỷ đồng. Con số này sau 9 tháng đầu năm là hơn 2.812 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Đây là kết quả được dự báo khi các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ theo hướng dẫn của NHNN. “NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Kim Anh nói.

Chuyên đề