Nỗ lực kiểm soát dịch, phục hồi nền kinh tế: Kiên định 5K + vắc xin

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vắc xin phòng Covid-19. Quyết sách này nhận được sự hưởng ứng và đánh giá cao của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một bước đi mạnh mẽ, quyết đoán của Chính phủ nhằm nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vắc xin một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng cho nhân dân.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, trước những diễn biến mới của dịch bệnh, công tác phòng chống dịch cần tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, thực hiện hiệu quả chiến lược “5K + vắc xin”.

Trong đó, yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vắc xin theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố.

Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vắc xin phòng chống Covid-19 trên toàn cầu, để sớm có vắc xin và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vắc xin sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Tờ trình đề xuất Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ cho hoạt động tài trợ, hỗ trợ mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19. Quỹ được vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ; tiếp nhận, quản lý sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 theo quy định.

Quỹ vắc xin phòng Covid-19 sẽ thực hiện chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, công khai tài chính theo quy định của Luật Kế toán và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Quỹ có trách nhiệm thực hiện báo cáo tình hình thu, chi, quyết toán tài chính quỹ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có).

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khẳng định, vắc xin là giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiên nay. Khi có vắc xin, các mối quan hệ xã hội sẽ không bị hạn chế, lưu thông hàng hóa mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Việc ban hành nghị quyết quan trọng này thể hiện Chính phủ rất quan tâm và hành động quyết liệt để đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây là cách tiếp cận giải pháp cụ thể, rõ ràng, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất bằng cách đa dạng hóa nguồn cung vắc xin, sớm tiến tới miễn dịch cộng đồng. Dù trực tiếp hay gián tiếp, cộng đồng doanh nghiệp đều được hưởng lợi nhờ quyết sách này. Đây cũng là thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp chủ động hoạch định các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đón đầu cơ hội trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi mạnh mẽ.

Hiện có nhiều doanh nghiệp mong muốn đóng góp kinh phí để mua vắc xin sử dụng cho đơn vị mình và hỗ trợ cho Chính phủ. Để sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, ông Nam cho rằng, Chính phủ nên tạo cơ chế mở để huy động các nguồn lực tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào quá trình mua, nhập khẩu, phân phối và tiêm vắc xin nhằm tận dụng các lợi thế riêng của họ, cũng như giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, có vắc xin thì sẽ sớm đạt miễn dịch cộng đồng, từ đó giúp kinh tế phát triển, giao thương được mở rộng. Bối cảnh hiện nay là trường hợp đặc biệt (nhu cầu lớn, số lượng hàng hóa và người bán hạn chế), nên không thể áp dụng theo trình tự, thủ tục thông thường, mà phải thực hiện theo cơ chế đặc biệt. Tuy nhiên, Luật sư Trần Hữu Huỳnh lưu ý, cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch của quy trình mua sắm này.

Theo ông Huỳnh, nhu cầu tiêm vắc xin là rất lớn, một mình Nhà nước làm không xuể bởi nguồn lực có hạn và đang phải tập trung lo cho các đối tượng ưu tiên. Vì vậy, cần tính đến các nguồn lực khác để bù đắp sự thiếu hụt này với yêu cầu phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và sức khỏe cho cộng đồng. Các bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau để đáp ứng yêu cầu cao về bảo quản, vận chuyển trong quá trình phân phối và triển khai tiêm vắc xin.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề