Nỗ lực kiểm soát CPI theo 3 hướng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá hàng hóa và chỉ số giá sản xuất tăng trong thời gian qua có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm nay vượt mức mục tiêu 4%, thách thức nỗ lực kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế. Để kiểm soát đà tăng giá hàng hóa, các giải pháp được tính tới là giảm tác động của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa; làm tốt công tác truyền thông, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.
Lạm phát là một thách thức đáng kể, cần có các giải pháp đồng bộ từ cả cung và cầu để kiểm soát thị trường. Ảnh: Tiên Giang
Lạm phát là một thách thức đáng kể, cần có các giải pháp đồng bộ từ cả cung và cầu để kiểm soát thị trường. Ảnh: Tiên Giang

Tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, lạm phát tháng 3 tăng đáng kể phản ánh cầu trong nước đang phục hồi, chỉ số giá sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng phản ánh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá đầu vào sản xuất nông nghiệp cũng tăng.

WB khuyến nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước vì lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế.

Sự tăng giá hàng hóa trung gian và chỉ số giá sản xuất trong 3 quý gần đây có thể ảnh hưởng đến các quyết định sản xuất và làm tăng giá tiêu dùng, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm. Trong ngắn hạn, cần có biện pháp can thiệp chính sách có mục tiêu để loại bỏ tác động của giá cả tăng đối với người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương.

Các cấp có thẩm quyền cũng nên cân nhắc áp dụng các biện pháp bao gồm giảm thuế đối với các hoạt động đầu tư cho sản xuất và đổi mới sáng tạo, giảm rào cản trong môi trường kinh doanh, giảm chi phí logistics, đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố gần đây với tựa đề “Việt Nam - đà phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý II”, Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức 4,2% năm 2022 và 5,5% năm 2023. Các yếu tố về nguồn cung sẽ mang đến rủi ro làm gia tăng lạm phát, đặc biệt là tình hình căng thẳng địa chính trị hiện tại. Trong trung hạn, các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát đến từ nguồn cầu sẽ gia tăng khi nền kinh tế phục hồi.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, áp lực lạm phát, giá cả hàng hóa, dịch vụ toàn cầu ở mức cao cùng với đà phục hồi kinh tế của Việt Nam cao hơn năm 2021; độ trễ của chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ là những thách thức chính đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022.

“Tính đến sự cải thiện sức cầu, sự sôi động trở lại của các hoạt động kinh tế - xã hội và tác động gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu, CPI bình quân năm 2022 dự báo sẽ ở mức 3,8 - 4,2%, có thể cao hơn mục tiêu 4% nhưng chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh và Việt Nam cần ưu tiên phục hồi. Áp lực lạm phát tăng dần do cả yếu tố cầu kéo nhờ kinh tế phục hồi, nhu cầu tăng và chi phí đẩy do giá cả hàng hóa, dịch vụ thế giới tăng mạnh khiến chi phí đầu vào, chi phí lưu thông, kho bãi, giá lương thực, thực phẩm đều tăng. Lạm phát là một thách thức đáng kể trong năm nay, cần có các giải pháp đồng bộ từ cả cung và cầu để kiểm soát thị trường”, ông Lực nói.

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, theo ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cần xử lý đồng thời cả 3 hướng, bao gồm: giảm tác động của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã họp và các bộ, cơ quan trung ương cơ bản thống nhất, từ nay đến cuối năm tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến rổ hàng hóa, từ đó có giải pháp điều hành phù hợp.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh để tăng cung hàng hóa trong nước, làm tốt công tác điều hành thị trường để vận hành cung cầu thông suốt, không bị tắc nghẽn.

Chuyên đề