Giai đoạn 2011 - 2015, nợ công tăng 16,7%/năm. Ảnh: Lê Tiên |
Những con số biết nói
Trung tâm Nghiên cứu thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (TTNC BIDV) vừa công bố Báo cáo đánh giá thực trạng nợ công tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất cho giai đoạn 2016 - 2020. Báo cáo phân tích, trong giai đoạn 2011 - 2015, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393 nghìn tỷ đồng). Về số tương đối, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp gần sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.
Tuy nhiên, quy mô nợ công thực tế có thể đã cao hơn so với mức công bố, nguyên nhân là do cách thức xác định nợ công của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế uy tín có sự khác biệt. Cụ thể, nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam dựa trên nguyên tắc là trách nhiệm thanh toán thuộc về chủ thể đi vay; còn nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế được xác định trên cơ sở là chủ sở hữu thực sự hay pháp nhân đứng sau chủ thể đi vay phải có trách nhiệm thanh toán.
Chính vì vậy, nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ bằng nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam cộng với nợ của: Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội và một số địa phương. Căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều chuyên gia đưa ra ước tính và cho rằng tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã vượt mức 100%.
Tuy nhiên, TTNC BIDV nhận định, theo thông lệ quốc tế, ngưỡng nợ công tối ưu (bảo đảm nợ công là động lực tăng trưởng kinh tế) thông thường cho các nước phát triển là 90%, các nước đang phát triển có nền tảng tốt là 60% và có nền tảng kém là 30 - 40%. Vì vậy, mức ngưỡng nợ công/GDP được Quốc hội đề ra là 65% là phù hợp với thông lệ quốc tế và việc vượt ngưỡng tối ưu có thể tiềm ẩn rủi ro.
Vấn đề cấp bách
Nhấn mạnh câu chuyện nợ công của Việt Nam, trong một báo cáo công bố gần đây, Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Việc đầu tư dàn trải là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiệu quả đầu tư không cao, nhất là đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước”. Tiếp tục câu chuyện này, báo cáo chuyên đề về nợ công của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, năm 2016 là “thời điểm nhạy cảm của nợ công”.
Nhìn nhận vấn đề này, Báo cáo của TTNC BIDV cho rằng, nợ công vẫn đang là vấn đề cấp bách, nếu giải quyết không tốt sẽ xuất hiện những rủi ro cho nền kinh tế. Chỉ rõ những rủi ro tiềm ẩn, TTNC BIDV nhấn mạnh, chỉ tiêu nợ phải trả (nợ gốc và lãi) có nguy cơ tiến sát, vượt ngưỡng cảnh báo, 22,3% trong khi ngưỡng an toàn 25%; nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi nguồn trả nợ công không bền vững dẫn tới tình trạng vay để trả nợ gốc ngày càng tăng, lên đến 80.000 tỷ đồng năm 2014 và 150.000 tỷ đồng năm 2015. Nợ công cũng tác động tiêu cực với nền kinh tế khi các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng ngân sách nhà nước.
“Để kiểm soát nợ công, bảo đảm cho phát triển thì việc nâng cao năng lực quản lý nợ công; nâng cao hiệu quả sử dụng và kiểm soát đầu tư công là vô cùng quan trọng”, Báo cáo đề xuất.
Nhằm cải thiện công tác quản lý ngân sách và nợ công theo hướng bền vững, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng, Việt Nam cần xây dựng và công bố kế hoạch tài khóa trung hạn. Phần vốn vay nước ngoài của Việt Nam phải bao gồm cả vốn vay ODA và vốn vay thương mại khác.