Nợ chồng chất, Trung Quốc bị “dọa” hạ điểm tín nhiệm

Báo cáo của Moody’s nhấn mạnh gánh nặng nợ nần ngày càng lớn của Trung Quốc...
Moody's cho rằng “sức khỏe” tài chính của Chính phủ Trung Quốc có thể chịu áp lực nếu Bắc Kinh gánh các nghĩa vụ nợ cho các doanh nghiệp quốc doanh có vấn đề.
Moody's cho rằng “sức khỏe” tài chính của Chính phủ Trung Quốc có thể chịu áp lực nếu Bắc Kinh gánh các nghĩa vụ nợ cho các doanh nghiệp quốc doanh có vấn đề.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service ngày 2/3 đã hạ triển vọng định hạng tín nhiệm nợ của Trung Quốc xuống mức “tiêu cực” từ “ổn định” trước đó.

Lúng túng cải tổ

Theo hãng tin Bloomberg, báo cáo của Moody’s nhấn mạnh gánh nặng nợ nần ngày càng lớn của Trung Quốc và đặt ra những câu hỏi xung quanh khả năng của Bắc Kinh trong việc thực thi các cải cách. Bản báo cáo được công bố chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên, sự kiện thông qua kế hoạch kinh tế 5 năm của nước này.

“Sức khỏe” tài chính của Chính phủ Trung Quốc có thể chịu áp lực nếu Bắc Kinh gánh các nghĩa vụ nợ cho các doanh nghiệp quốc doanh có vấn đề, trong khi các dòng vốn tháo chạy đã hạn chế khả năng của Bắc Kinh trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế - Moody’s viết trong báo cáo.

Theo tổ chức đánh giá tín nhiệm này việc nhà nước can thiệp vào thị trường chứng khoán và ngoại hối Trung Quốc đã làm gia tăng sự thiếu chắc chắn về cam kết cải cách mà các nhà lãnh đạo nước này đưa ra.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sáng 2/3 hầu như không có phản ứng nào trước những nhận định của Moody’s. Tuy nhiên, bản báo cáo cho thấy mối lo ngại gia tăng của giới đầu tư toàn cầu về việc Chính phủ Trung Quốc lúng túng cải tổ nền kinh tế lớn nhất châu Á vào thời điểm mà tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã lên tới mức chưa từng có tiền lệ 247%.

Kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc sẽ bắt đầu vào ngày thứ Bảy tới. Đây là sự kiện mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc vạch ra các biện pháp nhằm giải quyết các thách thức kinh tế và đạt mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020.

“Khả năng của Chính phủ Trung Quốc trong việc hấp thụ các cú sốc đã suy giảm, và chúng tôi muốn thể hiện điều này thông qua triển vọng tín nhiệm ‘tiêu cực’”, bà Marie Diron, Phó chủ tịch cấp cao của Moody’s, cho biết. Theo bà Diron, các cơ quan chức năng của Trung Quốc “đã bước lùi trong vấn đề cải cách, bởi vậy tạo ra sự bất ổn”.

Những lo ngại mà Moody’s đề cập đã được thể hiện trên thị trường những tháng gần đây. Chi phí bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc kỳ hạn 5 năm đã tăng thêm 0,38 điểm phần trăm kể từ giữa tháng 11/2015, lên mức 1,34%. 

Chi phí này đã gần đạt mức 1,51% đối với bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu Thái Lan - quốc gia mà Moody’s dành cho định hạng tín nhiệm thấp hơn 4 bậc so với Trung Quốc.

Chờ giảm nợ nần

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 23%, trong khi đồng Nhân dân tệ giao dịch tại Thượng Hải đã mất giá 0,8% so với USD.

Sáng nay, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn chứng khoán Thượng Hải tăng 1,2%, trong khi đồng Nhân dân tệ tăng giá gần 0,1%.

“Định hạng tín nhiệm của Trung Quốc vẫn không thay đổi, nên tôi cho rằng thị trường sẽ không có phản ứng ngay. Không có thông tin gì mới ở đây, mà chỉ là sự công nhận những vấn đề mà chúng ta đều đã biết suốt nhiều năm”, chiến lược gia Andy Ji của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định.

Dù hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc, Moody’s cũng nhấn mạnh những yếu tố nền tảng cho định hạng tín nhiệm Aa3 dành cho Trung Quốc trong dài hạn. Đây là mức điểm tín nhiệm cao thứ 4 trong các mức điểm khuyến nghị đầu tư.

Theo Moody’s, nền tảng cho định hạng tín nhiệm Aa3 của Trung Quốc gồm quy mô lớn của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng còn cao hơn so với nhiều nền kinh tế mới nổi, đang phát triển khác. Một số lợi thế khác của Trung Quốc mà Moody’s đề cập là lãi suất nợ công ở mức vừa phải, tỷ lệ tiết kiệm trong nước cao, và dự trữ ngoại hối lớn.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm trên nói có thể hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc nếu nước này giảm tốc độ của những cải cách cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng. Ngược lại, triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc sẽ được nâng trở lại mức “ổn định” nếu nước này giảm được tình trạng nợ nần thông qua tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc doanh. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư