Thách thức mới với tân Chủ tịch Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc

Người đứng đầu mới của bộ phận quản lý TTCK Trung Quốc được giao nhiệm vụ khôi phục lại sự tự tin, sau những sai lầm về chính sách của người tiền nhiệm khiến nhà đầu tư lâm vào tình trạng hoảng loạn và hơn 5.000 tỷ USD bị “bốc hơi”.
Liu Shiyu, tân Chủ tịch CSRC, được kỳ vọng sẽ xốc lại TTCK Trung Quốc
Liu Shiyu, tân Chủ tịch CSRC, được kỳ vọng sẽ xốc lại TTCK Trung Quốc

Liu Shiyu sẽ trở thành nhà giám sát TTCK lớn thứ 2 thế giới trong bối cảnh hết sức khủng hoảng, cũng như cần phải xốc lại tinh thần 99 triệu nhà đầu tư Trung Quốc. Theo một báo cáo mới đây, Liu sẽ chủ trì một cuộc “đại tu” lại thị trường, với các kế hoạch mở rộng liên kết với các TTCK lớn trong nước và quốc tế, trong đó có chỉ số toàn cầu MSCI.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin sau khi cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán gần đây bùng lên bởi những sai lầm về quản lý chính sách”, Vasu Menon, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Quản lý tài sản Oversea Chinese Banking Corp có trụ sở tại Singapore nói và cho biết: “Các nhà đầu tư quốc tế sẽ đợi xem Liu Shiyu có thể cung cấp các chính sách mới nhằm ổn định thị trường chứng khoán, mà không bị thụt lùi về tự do hóa thị trường”.

Liu tiếp nhận chức Chủ tịch Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) từ Xiao Gang, người đã bị cách chức mới đây sau gần 3 năm giữ chức vụ này. Với chính sách của Xiao, sự kiểm soát lỏng lẻo về đòn bẩy đã từng giúp tăng gấp 3 lần giá trị của TTCK Trung Quốc đến 10.000 tỷ USD, trước khi giá cổ phiếu sụp đổ vào mùa hè năm 2015. Sự tụt dốc này gây chấn động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu và khiến Chính phủ Trung Quốc buộc phải can thiệp, nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lây lan sang nền kinh tế vốn đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng 25 năm qua.

Liu trước đây là Chủ tịch của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, ngân hàng lớn thứ ba quốc gia này và từng là Phó thống đốc tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Trước khi gia nhập PBoC, Liu đã làm việc tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ban Cải cách kinh tế của nước này. Liu có bằng Thạc sỹ Quản lý kinh tế của Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Liu cũng đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển thị trường trái phiếu Trung Quốc và đang được kỳ vọng là người quản lý tốt hơn Xiao trong ngành chứng khoán. Theo Xia Chun, một giảng viên tài chính cao cấp tại các trường đại học của Hồng Kông, cả hai đều được coi là khá bảo thủ đối với sự phát triển mới trong thị trường tài chính.

Theo Bocom International Holdings Co., và Capital International Ltd, việc bổ nhiệm Liu Shiyu có thể là “phao cứu sinh” cho TTCK Trung Quốc trong ngắn hạn. Chỉ số Shanghai Composite đã tăng tốt nhất kể từ đầu năm 2016 vào cuối tuần trước, ở mức 3,5%, với thước đo biến động giá trong 100 ngày đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 6/2015. Mặc dù vậy, chỉ số chuẩn vẫn giảm 19%, với thiệt hại chỉ thua Ý và Hy Lạp.

“Tình hình chưa phải là ổn định. CSRC cần phải điều chỉnh thêm, mà không cần quá bảo vệ thị trường”, Linus Yip, một chiến lược gia Hồng Kông tại First Securities Ltd (Thượng Hải) cho biết.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Liu sẽ là giám sát việc giới thiệu một hệ thống đăng ký mới có tác dụng thực tế nhiều hơn các dịch vụ trước đây. Hệ thống mới sẽ cung cấp các câu trả lời và thời gian cho các công ty IPO, chứ không phải là CSRC, đồng thời cung cấp các tư vấn để xác định giá. Dự kiến, hệ thống này sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Giới đầu tư vẫn đang chờ đợi một liên kết trao đổi giữa thị trường Hồng Kông và Thâm Quyến, mô phỏng theo thị trường Thượng Hải được bắt đầu vào tháng 10/2014.

Chỉ số MSCI cho phép người nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với TTCK lớn thứ 2 thế giới này, nơi có nhiều công ty công nghệ nhỏ đang rất phát triển và phần lớn đều đã IPO, khi mà Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK nước này.

Theo Đại Minh, một nhà quản lý quỹ tại Hengsheng Asset Management (Thượng Hải), thực tế, Xiao Gang chưa có sự hiểu biết kỹ lưỡng về TTCK. Vì vậy, đối với Liu Shiyu, thách thức chính là khiến TTCK trở thành một công cụ tài chính hiệu quả nhất có thể. Ngoài ra, các luật về chứng khoán cần nhiều cải tiến để thị trường công bằng và minh bạch hơn. Đối với doanh nghiệp và cổ đông, đó là sự cân bằng lợi ích của nhà nước với việc mở cửa thị trường có giá trị 5.600 tỷ USD, trong khi phải cố gắng để khôi phục lại tinh thần của các nhà đầu tư cá nhân, chiếm hơn 80% tổng giao dịch toàn thị trường.

“Đây là một thách thức rất lớn, khi vừa phải làm dịu tâm lý mong manh của nhà đầu tư, đồng thời, về lâu dài, phải làm sao để tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến chính sách và tăng cường cải cách một cách bền vững, ổn định”, Chen Xingyu, một chuyên gia phân tích chứng khoán tại Thượng Hải nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư