Niềm tin đích thực cho nhà đầu tư

(BĐT) - Một trong những nguyên tắc then chốt trong Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) được Chính phủ ban hành mới đây là bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của DN, đảm bảo quyền tự do kinh doanh và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế...
Nghiêm túc thực thi Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 là cách để khẳng định niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào luật pháp nước ta là đích thực. Ảnh: Lê Tiên
Nghiêm túc thực thi Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 là cách để khẳng định niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào luật pháp nước ta là đích thực. Ảnh: Lê Tiên

Với việc thể chế hóa thành nguyên tắc, đây là một tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện những nỗ lực hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và đáng tin cậy cho DN phát huy mọi tiềm năng để phát triển.

Quy định chưa đi đôi với thực thi

Trên thực tế, việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của DN, nhà đầu tư đã được đưa vào một số văn bản luật pháp trước đây và đã được luật hóa. Cụ thể, Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định rõ việc đảm bảo quyền sở hữu tài sản hợp pháp của DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Luật cũng khẳng định rõ việc đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài luôn được Nhà nước quan tâm, khuyến khích bằng việc đưa ra nhiều chính sách và hành lang pháp lý với nhiều ưu đãi. Trong đó, có các chính sách về đảm bảo đầu tư, giúp cho nhà đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước có thêm động lực đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đơn cử như các quy định về: bảo đảm quyền sở hữu tài sản đầu tư; bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh; bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài; bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng; bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật hay giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh,...

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế - TS. Lưu Bích Hồ, vấn đề mấu chốt là trong khi luật pháp và nỗ lực của Chính phủ là rất lớn, song đến cấp triển khai thực thi thì hầu như đều rất chậm trễ, trì trệ, thậm chí còn đi ngược lại những chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Chính sự chậm trễ, trì trệ này đã làm xói mòn lòng tin của không ít các DN, trong đó có những DN đã có tên tuổi, khiến họ không thực sự có động lực và hứng khởi, niềm tin để tiếp tục đầu tư, gắn bó lâu dài tại Việt Nam. 

Sự bảo đảm cam kết từ Chính phủ là cơ sở quan trọng nhất

Với việc mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/2016 là nghị quyết lần thứ 3 liên tiếp về các biện pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; và đặc biệt, Nghị quyết 35, một Nghị quyết của Chính phủ riêng về hỗ trợ và phát triển DN, coi DN và lấy DN làm đối tượng phục vụ của cơ quan nhà nước, lần đầu tiên được ban hành đã mang lại những tín hiệu hết sức đáng mừng cho cộng đồng DN. Việc Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển DN được Chính phủ rốt ráo ban hành ngay sau khi diễn ra Hội nghị Thủ tướng gặp DN do đích thân tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì như là một động thái cho thấy những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong việc hiện thực hóa các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh.

Với việc được đảm bảo chắc chắn từ cam kết của Chính phủ, DN trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, thay vì phải đổ dòng vốn ra ngoài tìm cơ hội đầu tư chắc chắc hơn
Song trên hết, điều được cộng đồng DN hết sức vui mừng chờ đón là những khẳng định của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của mọi DN, không phân biệt loại hình, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế đã được chính thức hóa thành những điều khoản mang tính nguyên tắc bất di bất dịch, thể hiện cam kết mang tính pháp lý của Chính phủ, chủ thể lớn nhất trong thực thi pháp luật. Điều này được đánh giá như một sự nỗ lực hết sức kịp thời của Chính phủ trong việc củng cố và tạo dựng lòng tin cho DN và các nhà đầu tư, đồng thời góp phần xóa bỏ những quan ngại, lo lắng lâu nay của các DN.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Điểm mới rất đáng chú ý trong Nghị quyết 35 là sẽ tăng cường cơ chế giám sát toàn diện để phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện luật pháp và các quy định của cơ quan thực thi. Trong đó, liên quan đến vấn đề bảo đảm quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu hợp pháp của DN, sẽ có cơ chế đề nghị Quốc hội và Hội đồng Nhân dân giám sát, ngăn chặn các hành vi hình sự hóa quan hệ kinh tế, bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp của DN và đảm bảo quyền tự do kinh doanh của DN. Cũng theo ông Hà, với việc triển khai thực thi nghiêm túc Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35, việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho DN nhằm mục tiêu hỗ trợ tối đa cho DN được phát huy mọi tiềm năng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư gắn bó lâu dài với dự án, cũng chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN và nhà đầu tư, từ đó củng cố niềm tin của DN và nhà đầu tư vào luật pháp.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc quyết tâm hiện thực hóa các cam kết này, ông Ngô Quốc Bảo, đại diện Công ty CP Bán lẻ KTS FPT cho rằng: Việc Chính phủ đưa vào Nghị quyết hỗ trợ DN và thể chế hóa thành nguyên tắc là chưa có tiền lệ và cho thấy quyết tâm rất mạnh mẽ trong việc củng cố lòng tin cho DN về một môi trường kinh doanh ổn định, an toàn và đáng tin cậy. Quan trọng hơn, theo ông Bảo, với việc được đảm bảo chắc chắn từ cam kết của Chính phủ, DN trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, thay vì phải đổ dòng vốn ra ngoài tìm cơ hội đầu tư chắc chắc hơn.  

Tuy nhiên, ông Bảo cũng nhận định, vẫn còn một chặng đường dài để hiện thực hóa những cam kết này thành hiện thực, đặc biệt là từ cấp thực thi. Do đó, cộng đồng DN vẫn trông chờ vào sự triển khai thực hiện cũng như thực tiễn triển khai của các cơ quan thực thi để thực sự khẳng định được niềm tin của mình là hoàn toàn đích thực.

Chuyên đề