Những tàu sân bay mạnh nhất của hải quân các nước

Với nỗ lực nhằm tăng cường quy mô và tầm vóc của lực lượng hải quân, quân đội nhiều nước đã đầu tư nhiều thời gian và tiền của vào các chương trình đóng mới hoặc mua lại tàu sân bay từ nước ngoài.
Những tàu sân bay mạnh nhất của hải quân các nước

Trong hạm đội hải quân của một nước, tàu sân bay thường được xem là “linh hồn” vì vai trò quan trọng của loại tàu chiến này. Nó cho phép lực lượng hải quân mỗi nước phô diễn sức mạnh trên toàn thế giới bằng cách tiến hành các chiến dịch không quân mà không phải phụ thuộc vào các căn cứ quân sự cố định.

Kể từ khi bắt đầu được “trình làng” vào đầu thế kỷ 20, các tàu sân bay ngày càng phát triển vượt bậc, từ những con tàu bằng gỗ cho tới các tàu chiến hiện đại, tốn kém chạy bằng năng lượng hạt nhân với khả năng mang theo nhiều máy bay chiến đấu, trực thăng và nhiều loại máy bay khác cùng một lúc.

Theo Sputnik, do hiện vẫn chưa có định nghĩa chính xác về tàu sân bay nên một số loại tàu cũng được xếp vào nhóm tàu sân bay, bao gồm siêu tàu sân bay (những tàu sân bay lớn nhất), tàu tấn công đổ bộ và tàu sân bay trực thăng.

Tàu sân bay USS Carl Vinson là siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. Tàu sân bay này được hạ thủy vào năm 1980 và được biên chế hai năm sau đó. Kể từ năm 2009, USS Carl Vinson trở thành tàu dẫn đầu của Nhóm tác chiến tàu sân bay 1 của Hải quân Mỹ. (Ảnh: Reuters)

HMS Ocean, tàu sân bay trực thăng và tấn công đổ bộ của Anh, hiện là tàu lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh và là tàu dẫn đầu của hạm đội tàu chiến Anh. Tàu sân bay HMS Ocean chính thức được biên chế và đi vào hoạt động từ năm 1998. Năm 2014, tàu sân bay này được tân trang lại với chi phí lên tới 65 triệu bảng Anh (khoảng 83 triệu USD). Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Anh cho biết HMS Ocean sẽ “nghỉ hưu” vào năm 2018 và sau đó, tàu sân bay này có thể được rao bán. (Ảnh: AP)

Tàu sân bay Giuseppe Garibaldi được biên chế từ năm 1985 và là tàu đầu tiên của Italy được đóng để có thể vận hành máy bay có cánh cố định. Sau Thế chiến II, hải quân Italy bị cấm sử dụng máy bay có cánh cố định, do đó tàu Giuseppe Garibaldi phải điều chỉnh lại chức năng thành tàu tuần dương mang máy bay. Mãi cho đến năm 1988, Giuseppe Garibaldi vẫn chỉ được phép mang theo trực thăng và phải tới năm 1989, tàu này mới được trang bị máy bay chiến đấu có cánh cố định. Tàu sân bay này đã trải qua quá trình nâng cấp vào năm 2003 và 2013. Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu của tàu Giuseppe Garibaldi trong hạm đội Hải quân Italy đã bị thay thế bằng tàu sân bay mới và to hơn có tên Cavour vào năm 2009. (Ảnh: AFP)

Quá trình chế tạo tàu Juan Carlos I, tàu tấn công đổ bộ đa nhiệm của Tây Ban Nha, được bắt đầu từ năm 2005. Con tàu này mới chính thức được biên chế từ năm 2010. Chi phí dành cho việc đóng tàu ban đầu là 360 triệu euro (391 triệu USD) nhưng cuối cùng đã “đội” lên thành 462 triệu euro (600 triệu USD). (Ảnh: Sputnik)

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2013. Nguyên bản của tàu sân bay này là tàu sân bay lớp Kiev, phục vụ trong lực lượng hải quân Liên Xô và sau này là Hải quân Nga với tên Đô đốc Gorshkov, trước khi dừng hoạt động vào năm 1996. Năm 2004, Ấn Độ đã mua lại tàu sân bay này và tiến hành nâng cấp, sau đó đổi tên thành tàu sân bay INS Vikramaditya (Ảnh: Indian Navy)

Tàu sân bay Charles de Gaulle là tàu dẫn đầu của Hải quân Pháp và là tàu chiến lớn nhất tại khu vực tây Âu đang trong biên chế. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2001, Charles de Gaulle là chiếc tàu mặt nước chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất của Pháp. Từ đầu tháng 2/2017, tàu sân bay này bắt đầu trải quá trình bảo dưỡng và nâng cấp. (Ảnh: AFP)

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất của Nga và đang đóng vai trò dẫn đầu trong lực lượng Hải quân Nga. Tàu sân bay này được cho là sẽ bắt đầu quá trình nâng cấp vào quý 1 năm nay, nhằm cho phép kéo dài tuổi thọ thêm 25 năm nữa. (Ảnh: Sputnik)

Tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet của Thái Lan là tàu chỉ huy của Không quân Hoàng gia Thái. Đây là tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của Thái Lan hiện nay. Dựa trên thiết kế từ tàu sân bay Príncipe de Asturias của Tây Ban Nha và cũng được chế tạo tại xưởng đóng tàu của Tây Ban Nha, tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet được biên chế vào Hải quân Thái Lan từ năm 1997. Tàu sân bay này cũng được triển khai cho các hoạt động cứu trợ thảm họa và huấn luyện. (Ảnh: Sputnik)

ENS Gamal Abdel Nasser, tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Ai Cập, là một tàu sân bay trực thăng lớp Mistral do Pháp thiết kế. Đây là một trong hai tàu Mistral được đóng cho Hải quân Nga. Tuy nhiên sau đó, Pháp đã hủy hợp đồng và Ai Cập đã nhận cả hai tàu này vào năm 2015. (Ảnh: Sputnik)

Tàu JS Hyuga là tàu dẫn đầu trong số các tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và được biên chế từ năm 2009. Các tàu lớp Hyuga chủ yếu là các tàu chiến chống ngầm vận hành các trực thăng chống ngầm SH-60K. (Ảnh: Sputnik)

Tàu ROKS Dokdo là tàu chỉ huy trong số các tấn công đổ bộ lớp Dokdo của Hải quân Hàn Quốc. Tàu này hạ thủy vào năm 2005 và được biên chế vào Hải quân Hàn Quốc 2 năm sau đó. Đây cũng là tàu lớn nhất của Hải quân Hàn Quốc. (Ảnh: AFP)

Tàu HMAS Canberra là tàu chỉ huy lớp Canberra của hạm đội tàu Hải quân Hoàng gia Australia. Tàu lớp Canberra được thiết kế dựa trên tàu chiến Juan Carlos I của Hải quân Tây Ban Nha. Đây cũng là một trong số những tàu chiến lớn nhất của Hải quân Australia. (Ảnh: Spuntik)

Tàu sân bay Liêu Ninh hiện là tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc. Đây là tàu do Trung Quốc mua lại từ Ukraine vào năm 1998, sau đó được nâng cấp và biên chế vào Hải quân Trung Quốc từ năm 2012. Trung Quốc cũng đang đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này và chuẩn bị hạ thủy trong thời gian tới. (Ảnh: AFP)

Chuyên đề