Hoa đào mang đến linh hồn cho ngày Tết cổ truyền của người Việt. Ảnh: Lê Tiên |
Hoa đào - biểu tượng mùa xuân cổ truyền của người Việt
Đối với người miền Bắc, hoa đào được xem như món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi khi Tết đến xuân sang. Với hình dáng đẹp, sắc hoa rực rỡ, lá xanh mơn mởn, lộc non tràn đầy và chỉ nở vào mùa xuân dịp Tết cổ truyền, đào được nhiều người lựa chọn là một trong những loại cây để trang trí nhà, văn phòng trong dịp đón mừng năm mới với mong muốn đón may mắn, vượng khí và sung túc cho cả năm làm ăn phát đạt, thịnh vượng.
Cho đến bây giờ, nguồn gốc của hoa đào vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, người thì cho là có nguồn gốc ở xứ Ba Tư xa xôi, người thì cho rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay, hoa đào có mặt khắp nơi trên đất nước ta, đặc biệt là ở miền Bắc mỗi khi Tết đến xuân về và không thể phủ nhận hoa đào là loài hoa mang đến linh hồn cho ngày Tết cổ truyền của người Việt.
Đào có tên khoa học là Prunus persica, là loại cây thân gỗ nhỏ, lá hình mũi mác và sớm rụng, hoa nở vào đầu mùa xuân trước khi ra lá. Nếu như văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản chú trọng chủ yếu vào ý nghĩa của quả đào thì văn hóa Việt Nam chú trọng chủ yếu vào ý nghĩa của hoa đào.
Ở nước ta hiện có 4 giống hoa đào. Phổ biến nhất là bích đào, tán rộng, hoa kép rải đều khắp các cành, kể cả cành tăm nhỏ xíu với màu đỏ hồng rực rỡ, kiêu sa. Bích đào có thể chơi chậu lớn, cắt cành to cắm lọ lộc bình trưng bày ở phòng khách hoặc cành nhỏ - gọi là đào dăm - để cắm trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết đều đẹp!
Giống đào có hoa màu nhạt, phơn phớt hồng gọi là đào phai. Đào phai có loại cánh kép, có loại cánh đơn, trông mỏng manh và thanh nhã cũng được trồng và chơi nhiều vào dịp Tết. Với sắc màu phớt hồng nhẹ nhàng đầy tinh tế mang nét đặc trưng của mùa xuân, những nụ hoa chúm chím hé nở và nhiều lộc non hứa hẹn đem đến may mắn và tài lộc, thắp lên hy vọng về những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Đào Thất Thốn hay còn gọi là đào Tiến vua là loại đào có cây cao hơn mặt đất chỉ chừng 7 tấc (khoảng hơn 1m), phải trồng đến năm thứ 3 mới đơm hoa. Cây có gốc xù xì, lá xanh mướt, hoa đỏ thẫm đầy sức sống. Đào Thất Thốn ra hoa kép, mỗi tầng hoa đều có 7 cánh, mỗi bông to có đường kính lên tới 4 - 5 cm. Đặc biệt, những bông hoa kép có thể có tới 30 - 50 cánh/bông nên đặc biệt quý hiếm. Vào ban đêm, hoa tỏa hương thơm thoang thoảng mà giống đào thường không có được. Giống đào này rất khó chăm sóc nên được bán với giá rất đắt.
Một giống đào khác thường được gọi là đào rừng. Đây là loại đào ăn quả có hoa đơn 5 cánh cứng cáp màu phớt hồng, mang dáng vẻ tự nhiên khỏe khoắn, phóng khoáng, làm say đắm lòng người. Loại đào này thường sinh trưởng tự nhiên hoặc được trồng ở các vùng rừng núi Tây Bắc như Mộc Châu, Sơn La..., phủ sắc hồng trên các vạt rừng báo hiệu mùa xuân về.
Sức sống hoa đào và sự sinh sôi nảy nở của hoa tượng trưng cho sự an khang, thịnh vượng, phát triển trường tồn của mỗi cá nhân và gia đình. Hoa đào cho con người niềm tin vào sự sống vĩnh hằng và sự phát triển của tương lai.
Hoa mai vàng của mùa xuân Nam Bộ
Cũng như hoa đào miền Bắc, hoa mai đến với người dân miền Nam mỗi năm chỉ một lần vào dịp xuân về. Nếu như mùa xuân nơi đất Bắc là sắc hoa đào hồng đỏ tuyệt mỹ, kiều diễm như má hồng, môi son thiếu nữ thì ngày xuân phương Nam vàng rực cánh hoa mai quý phái nhưng cũng đầy phóng khoáng của miền nắng gió.
Cuối năm, nhìn những nụ mai bắt đầu động đậy, tách vỏ xanh, hé màu vàng mơ màng rồi bung từng cánh một trong nắng là biết mùa xuân phương Nam đang đến rất gần… Chính vì thế, mai được xem là biểu tượng của mùa xuân và cùng với lan, cúc, trúc trở thành biểu tượng cho bốn mùa xuân - hạ - thu - đông.
Mai có xuất xứ từ cây hoang dại, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới, được phân bố tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, đặc biệt ở miền Nam nước ta và thường nở hoa vào mùa xuân với sắc hoa màu vàng là phổ biến nhất. Ngoài ra còn có loại mai ra hoa màu trắng, màu hồng…
Loại mai mà người dân miền Nam hay trưng bày trong nhà vào dịp Tết Nguyên đán là mai vàng. Cây mai vàng đã gắn bó với làng quê Nam Bộ từ lúc người dân biết khai hoang, lập ấp để sinh sống. Dù phải chịu nhiều nắng, gió, mưa, bão... nhưng cây mai vẫn vững vàng theo năm tháng. Hình ảnh cây mai chịu thời tiết khắc nghiệt để rồi trút hết những chiếc lá trên cành, bung chồi non và trổ hoa vàng tươi để đón mùa xuân mới khiến người ta liên tưởng đến đức hy sinh cao cả của thế hệ đi trước cho tương lai thế hệ mai sau.
Từ xa xưa, người ta đã xếp mai vàng là một trong những loài hoa quý nhất trong các loài hoa. Sở dĩ như vậy có lẽ vì mai thường nở hoa rực rỡ vào mùa xuân. Cứ xuân về là mai nở và mai nở đón xuân về. Quả thật, ngày Tết, nhìn cây mai với những bông hoa vàng nở thành từng chùm chi chít bên nhau cho ta cảm giác rạo rực niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc, tình yêu thương và gắn bó gia đình, dòng tộc! Loài hoa này cũng trở thành cảm hứng để các nghệ sĩ miêu tả nét đài trang, thanh nhã của nàng xuân mang may mắn đến mọi nhà vào dịp đầu năm mới. Theo quan niệm của người xưa, bông mai vàng có 5 cánh kết thành vòng tròn tượng trưng cho ngũ phúc. Đó là phú - quý - thọ - khang - ninh với hàm ý hoa mai sẽ đem lại sự giàu, sang, trường thọ, mạnh khỏe và an lành trong năm mới.
Đặc biệt, vì hoa mai chịu đựng được mọi loại thời tiết, kể cả khắc nghiệt, nên cây mai còn tượng trưng cho sự bất khuất và ý chí kiên cường; cho khí chất, phẩm cách cao thượng, liêm khiết của kẻ sỹ, của người quân tử. Có thể nói, hoa mai là biểu trưng cho những đức tính tốt đẹp, cho sức sống và trí tuệ của người Việt Nam nên luôn được nhiều gia đình, đặc biệt là người dân Nam Bộ, lựa chọn để trang trí trong nhà mỗi dịp Tết đến xuân về.