Những dấu ấn đậm nét trong hội nhập và phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chủ động và tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp, tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi.
Môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi khiến Việt Nam trở thành địa chỉ đầu tư tin cậy, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi khiến Việt Nam trở thành địa chỉ đầu tư tin cậy, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Đó là nhận xét của đại diện các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với Báo Đấu thầu nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ngành KH&ĐT.

Bộ KH&ĐT là trung tâm của các chương trình cải cách và phát triển

Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Thay mặt Ngân hàng Thế giới (WB), tôi nhiệt liệt chúc mừng Bộ KH&ĐT nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, một cột mốc ấn tượng.

Bộ KH&ĐT đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và khép kín sang nền kinh tế thị trường mở sôi động như ngày nay.

Kể từ khi bắt đầu Đổi mới năm 1986, Bộ KH&ĐT đã giúp xây dựng chương trình cải cách của đất nước, chuyển tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam thành các chiến lược và kế hoạch phát triển làm cơ sở cho hành động và thực thi.

Ngay từ đầu quá trình Đổi mới của đất nước, Bộ KH&ĐT đã đi đầu trong việc nhanh chóng thiết lập các yếu tố chính của khung pháp lý và chính sách cho một nền kinh tế thị trường mở. Bộ KH&ĐT đã thành công trong việc xây dựng các khung khổ pháp lý này nhờ tinh thần học hỏi từ các bài học và thông lệ quốc tế tốt nhất.

Tiếp tục hành trình hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, bình đẳng, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức phức tạp hơn. Bộ KH&ĐT cần tiếp tục phát triển để dẫn đầu trong việc định hình các ưu tiên cải cách và phát triển chiến lược trung và dài hạn của Việt Nam trước những thách thức phức tạp hơn. Điều này sẽ đòi hỏi những ý tưởng và tư duy mới, kỹ năng mới, cách làm mới trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng hiện nay. Với bề dày thành công trong 75 năm qua, tôi tin tưởng rằng Bộ KH&ĐT sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để thích ứng và tạo ra những bước ngoặt mới trong tương lai.

Bộ KH&ĐT là đối tác lâu năm và tin cậy của WB. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác và hợp tác sâu sắc trong những năm tới.

Luôn chủ động và tích cực hợp tác

Ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam

Kể từ khi cộng đồng các nhà tài trợ nối lại viện trợ cho Việt Nam, Bộ KH&ĐT đóng vai trò cơ quan đầu mối trong việc huy động, sử dụng và quản lý ODA, theo đó, Bộ là một trong những đối tác chính của JICA trong quản lý và điều phối ODA Nhật Bản và thực hiện các dự án cụ thể.

Khi xây dựng các chiến lược, chính sách và định hướng sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ KH&ĐT thường xuyên tiến hành tham vấn với các đối tác phát triển bao gồm cả JICA và cố gắng phản ánh ý kiến của các đối tác phát triển vào nội dung các tài liệu đó. Điều này giúp Bộ KH&ĐT có thể xây dựng những chiến lược và chính sách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như chiến lược hỗ trợ của các đối tác phát triển.

Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ trì các thủ tục phê duyệt cho phần lớn các dự án của JICA. Bộ KH&ĐT luôn duy trì trao đổi với JICA về tình hình thực hiện cũng như điều phối kịp thời với các cơ quan chủ quản dự án để các thủ tục có thể được tiến hành nhanh chóng và dự án có thể mang hiệu quả tới các đối tượng hưởng lợi trong thời gian nhanh nhất.

Ngoài vai trò điều phối ODA, Bộ KH&ĐT đã và đang thực hiện khá nhiều dự án hợp tác với JICA trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư nước ngoài, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thống kê, hạ tầng quy mô nhỏ… Trong các dự án này, các đơn vị thuộc Bộ luôn tích cực và chủ động tham gia. Nhờ đó, các dự án đạt được kết quả mong đợi và mang lại lợi ích bền vững.

Nỗ lực vì sự đổi thay và thịnh vượng của đất nước

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội

Bộ KH&ĐT là đối tác thân thiết của AmCham. Qua quá trình làm việc và hợp tác, tôi nhận thấy rằng chặng đường phát triển kinh tế của Việt Nam đã không có những đổi thay đáng chú ý nếu không có những nỗ lực của Bộ KH&ĐT trong việc cải thiện điều kiện kinh doanh để củng cố sức mạnh của khu vực tư nhân, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thúc đẩy sự thịnh vượng.

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đã có những đổi thay to lớn. Các công ty của Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam hội nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo công ăn việc làm và mở ra thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Các hội viên của AmCham đã mang những sản phẩm chất lượng cao, những dịch vụ và công nghệ ưu việt đến Việt Nam. Chúng tôi cam kết tuân thủ luật lao động và môi trường của Việt Nam và trở thành những doanh nghiệp tốt tại đây.

Bộ KH&ĐT có thể bảo đảm tốt nhất cho sự thành công của Việt Nam bằng cách hỗ trợ các chính sách duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng hạ tầng đẳng cấp thế giới, tăng cường nỗ lực nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động và cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Tiến bộ trong các lĩnh vực này sẽ không chỉ giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài, mà còn sẽ hỗ trợ cho khát vọng của Việt Nam trong chặng đường tiếp theo.

Ngay cả khi đối mặt với những khó khăn và thách thức kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, các thành viên của chúng tôi vẫn nhìn thấy cơ hội lớn và tương lai tươi sáng ở đây. AmCham sẽ tiếp tục làm việc để giảm bớt các rào cản thương mại, hỗ trợ Bộ KH&ĐT trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh tiêu chuẩn cao, minh bạch và ổn định để đảm bảo rằng tất cả các nhà đầu tư đều được tiếp cận công bằng với các cơ hội kinh doanh.

Vai trò trung tâm và thiết yếu trong cải thiện môi trường kinh doanh

Ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam

Bộ KH&ĐT có vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng như thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy rằng, Việt Nam hiện là một thị trường rộng mở, cạnh tranh và rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đây là minh chứng cho thành công của Bộ KH&ĐT trong những thập kỷ qua.

Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao cách tiếp cận cởi mở và mang tính xây dựng của Bộ KH&ĐT khi làm việc với EuroCham và một nghìn công ty thành viên của chúng tôi. Trong hơn hai thập kỷ kể từ khi EuroCham được thành lập, chúng tôi đã tổ chức vô số cuộc họp, sự kiện và hội thảo với các lãnh đạo và quan chức của Bộ KH&ĐT. Các cuộc gặp này đã giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, từ đó, giúp thu hút nhiều vốn FDI hơn từ các doanh nghiệp châu Âu.

Bộ KH&ĐT có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo phê chuẩn và thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đối với các doanh nghiệp châu Âu, thỏa thuận lịch sử này sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ đầu tư giữa EU và Việt Nam. Cùng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), EVFTA sẽ giúp đảm bảo một làn sóng đầu tư mới trong tương lai.

Các doanh nghiệp châu Âu ủng hộ một môi trường thương mại và đầu tư cởi mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp tại Việt Nam. Nói chung, các thành viên của chúng tôi ủng hộ việc đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư. Những bước này sẽ giúp thu hút thêm nhiều công ty châu Âu đầu tư vào Việt Nam.

Xét về các chính sách cụ thể, Bộ KH&ĐT có thể hỗ trợ để khuyến khích đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng tôi biết rằng các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) là một trong những phương thức hiệu quả nhất để doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Để tạo điều kiện đầu tư lớn hơn trong tương lai, các thành viên EuroCham đề xuất một số cải cách để tạo thuận lợi cho các thương vụ M&A.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhu cầu đáng kể về đầu tư của khu vực tư nhân nước ngoài để thúc đẩy bước tiếp theo trong quá trình hiện đại hóa và phát triển của mình. Đây là một vấn đề ngày càng có tầm quan trọng khi viện trợ phát triển chính thức đang giảm dần cùng với thành công kinh tế gần đây của Việt Nam. Do đó, để đạt mục tiêu thu hút hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT có thể hỗ trợ phát triển các dự án PPP rõ ràng và tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho các dự án PPP tại Việt Nam.

Góp phần xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng

Bà Ann Marie Yastishock - Giám đốc USAID Việt Nam

Năm nay kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Nhìn lại quá trình từ năm 1995 đến nay, rõ ràng sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tăng lên đều đặn về mức tài trợ cũng như chiều sâu của các chương trình thực hiện. Đây là minh chứng mạnh mẽ cho mối quan hệ khăng khít và tôn trọng lẫn nhau giữa hai dân tộc chúng ta.

Bộ KH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với USAID để góp phần xây dựng và phát triển một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, góp phần vào ổn định khu vực. USAID đã và đang hợp tác với Bộ KH&ĐT trong một loạt dự án nhằm thúc đẩy Việt Nam dấn bước trên sân chơi toàn cầu với tư cách là một quốc gia tham gia vào thương mại tự do, công bằng và có đi có lại.

USAID tự hào về mối quan hệ đối tác hiệu quả, liên tục của chúng tôi với Chính phủ Việt Nam và Bộ KH&ĐT nhằm phát triển khu vực tư nhân và tiến nhanh trên con đường trở thành nước có thu nhập trung bình của Việt Nam. Với ý chí chính trị mạnh mẽ của Chính phủ, sự tham gia tích cực với các khu vực công và tư nhân cũng như sự hỗ trợ liên tục từ USAID và các nhà tài trợ khác, xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc.

USAID cũng đang phối hợp với Bộ KH&ĐT để tăng cường năng lực cho các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân (BSO) nhằm thiết lập các mối liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với các doanh nghiệp đầu mối trong nước và quốc tế.

USAID mong muốn xây dựng tinh thần hợp tác và đối tác lâu dài với Bộ KH&ĐT để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ấn tượng về một “Bộ KH&ĐT đáng tin cậy”

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam

Trước tiên, xin được gửi lời chúc mừng Bộ KH&ĐT nhân kỷ niệm 75 năm thành lập. Bộ KH&ĐT là một cơ quan rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tôi nghĩ rằng 10 hay 20 năm tới, trọng trách của Bộ với bề dày lịch sử 75 năm sẽ ngày càng được nâng cao. Tôi tin chắc rằng, việc thực thi các kế hoạch đầu tư trong nước đồng thời tích cực thu hút đầu tư từ nước ngoài sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam.

Về mối quan hệ với Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các lãnh đạo của Bộ KH&ĐT đều rất tích cực trong việc tổ chức các chuyến thăm Nhật Bản cũng như mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Nhiều hoạt động của JETRO thường xuyên có sự đồng hành của Bộ KH&ĐT. Một số công việc hợp tác giữa JETRO và Bộ có thể kể đến như: thu hút đầu tư, đầu tư ra nước ngoài, phát triển các khu kinh tế, khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo qua hoạt động của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC),…

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT và JETRO thường hợp tác, thảo luận để thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư, xử lý các vấn đề vướng mắc từ các cấp độ khác nhau, đặc biệt là qua việc liên kết với các chính quyền địa phương của Nhật Bản. Nhờ đó, các doanh nghiệp Nhật Bản có ấn tượng về một “Bộ KH&ĐT đáng tin cậy”.

Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT luôn tích cực trong việc tổ chức sự kiện, hội thảo hay thiết lập kênh đối thoại với các doanh nghiệp Nhật Bản như “Sáng kiến chung Nhật - Việt”. Cách làm việc năng động, cởi mở và tiến bộ của Bộ KH&ĐT tạo cảm giác an toàn cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Theo khảo sát của JETRO, số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn mở rộng kinh doanh lớn hơn nhiều so với các nước trong khối ASEAN. Điều này cho thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chúng tôi mong muốn Bộ KH&ĐT có thể tham vấn chính sách với Chính phủ để đưa ra những trọng tâm phát triển của các lĩnh vực kinh tế. Bài học từ các cường quốc cho thấy, việc lựa chọn và tập trung vào ngành công nghiệp trọng tâm có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Điều quan trọng hơn nữa là cần tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy môi trường kinh doanh, đặc biệt là những thủ tục thuế, hải quan.

Chuyên đề