Dự kiến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2026, kéo gần vùng Cao Lãnh, Tháp Mười với trục cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Miền Tây - đại công trường gửi gắm khát vọng thịnh vượng
Sống ở TP.HCM nhưng 4 năm trước, chị Huỳnh Kim Loan quyết định về quê, thị trấn Một Ngàn (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) mở một cơ sở kinh doanh nhỏ. Do cuộc sống và tính chất công việc, hàng tháng, chị phải di chuyển như con thoi giữa TP.HCM - Cần Thơ - Hậu Giang. Chị Loan cho biết, mấy năm trước, việc đi lại khó khăn và tốn rất nhiều thời gian, nhất là vào các dịp lễ, tết bởi tình trạng ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giao thông đã thuận lợi hơn rất nhiều khi những cung đường cao tốc, những cây cầu dây văng lớn hoàn thành.
“Các cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 được đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM về TP. Cần Thơ còn khoảng 2,5 giờ chạy xe. Người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ đi lại dễ dàng mà việc vận chuyển hàng hóa, nông sản đi tiêu thụ ở các thị trường lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai hoặc thông thương tới các cảng xuất khẩu cũng rất thuận tiện”, chị Loan nói và cho biết thêm, mỗi ngày, tại Kho Bách hóa Xanh Châu Thành A tại thị trấn Một Ngàn có hàng trăm lượt xe tải trung chuyển hàng hóa tỏa đi khắp vùng. Hoạt động giao thương thuận lợi, sinh kế người dân miền Tây từng bước được cải thiện.
Cách đây hơn 2 năm, dịp 30/4/2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (chiều dài 51 km, vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng) được khánh thành. Hơn 1 năm sau, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (chiều dài 23 km, vốn đầu tư 4.826 tỷ đồng) và cầu Mỹ Thuận 2 (vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng) được đưa vào khai thác. Các công trình trên trục cao tốc Bắc - Nam này góp phần hoàn thiện “gạch nối” tốc độ cao, năng lực thông hành lớn giữa 2 không gian Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Theo cảm nhận của chị Huỳnh Kim Loan và nhiều người dân thị trấn Một Ngàn, mảnh đất Hậu Giang và các tỉnh miền Tây đang “chuyển mình” từng ngày. Trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9/2024, trên các công trường xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau hay cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vẫn rộn rã tiếng máy thi công. Từ ước mơ cháy bỏng của các thế hệ cư dân “đi mở cõi” nhiều thế kỷ qua, hình hài những cung đường thịnh vượng đã dần hiện hữu.
Doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM rất kỳ vọng vào việc sớm hoàn thành xây dựng các công trình cao tốc, Vành đai 3 - TP.HCM và Cảng HKQT Long Thành. Khi tất cả các dự án này đi vào khai thác, sẽ hình thành hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức hiện đại, đồng bộ, có năng lực thông thương lớn cho hàng hóa xuất khẩu.
Ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, thời gian nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày, nhưng cát liên tục được đưa về công trường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau và công nhân vẫn làm việc miệt mài trên toàn tuyến. Đến cuối tháng 8/2024, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang đạt khối lượng thi công khoảng 42%, cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đạt khối lượng khoảng 36,6% so với giá trị hợp đồng. Với việc tập trung nguồn lực và tăng ca, kíp thi công như hiện nay, tuyến cao tốc dài 109,5 km với tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, nối thông suốt một dải cao tốc từ TP.HCM tới Cà Mau, vùng cực Nam Tổ quốc.
Không còn băn khoăn, tiếc nuối như cách đây gần 2 năm, bà Đào Thị Thanh Dung (trú tại Ấp 1, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) giờ đây đã yên tâm hơn với cuộc sống tại nơi ở mới. Bà Dung nhớ lại Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là cái tết cuối cùng gia đình bà gắn bó với ngôi nhà, mảnh vườn gần 1.000 m2 thân thuộc. Tiếc nuối khi phải di dời đến nơi khác sinh sống để nhường đất xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và nỗi lo an cư, ổn định cuộc sống sau giải tỏa khiến bà Dung đứng ngồi không yên. Nhưng nay, nhìn tuyến cao tốc đang hình thành qua từng ngày, bà và người dân xã Mỹ Thọ rất vui vì đã ủng hộ chủ trương, góp phần mở đường phát triển quê hương.
“Cuộc sống gia đình tôi đã ổn định sau hơn 1 năm phải giải tỏa. Có “đại lộ”, người dân vùng Tháp Mười có cơ hội lớn đổi đời và tương lai tươi sáng hơn. Tôi hy vọng cùng với cao tốc, Nhà nước sẽ đầu tư thêm các khu công nghiệp, khu dân cư hiện đại để có thêm nhiều công ăn việc làm, mở mang phát triển kinh tế địa phương, giúp đời sống bà con nhân dân sung túc, hạnh phúc hơn”, bà Dung nói.
Hiện nay, tiến độ xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (đoạn qua tỉnh Đồng Tháp) đang tăng tốc từng ngày. Các nhà thầu huy động hơn 360 công nhân, hơn 80 thiết bị để tổ chức thi công nhiều hạng mục như đào đất không thích hợp, đắp cát tuyến chính, xây dựng 18/19 cầu. Hiện giá trị thi công đạt 888 tỷ đồng, tương ứng 34,9% giá trị hợp đồng. Mới đây, đoạn qua tỉnh Tiền Giang (vốn đầu tư 3.856 tỷ đồng) cũng được khởi công. Dự kiến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2026. Một dải cao tốc vắt ngang bưng đồng xanh mướt cây trái dần định hình, kéo gần vùng Cao Lãnh, Tháp Mười với trục cao tốc Bắc - Nam, mang theo bao khát vọng đổi đời, phồn thịnh.
Tại ĐBSCL, ngoài công trường cao tốc Bắc - Nam (trục dọc) và 2 cao tốc trục ngang (Cao Lãnh - An Hữu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), nhiều công trình xây dựng những cây cầu tầm vóc thế kỷ cũng đang rất nhộn nhịp như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi. Trong đó, cầu Rạch Miễu 2 (vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng) nối Tiền Giang với Bến Tre hiện đạt khối lượng 57,73%, trong đó phần cầu chính đang vượt tiến độ hơn 5%. Các nhà thầu đang tập trung phương tiện, lao động thi công “3 ca, 4 kíp” để cuối năm 2025 đưa cây cầu này vào khai thác.
Trên công trường cầu Đại Ngãi 2, nhà thầu triển khai 18 mũi thi công với hơn 270 công nhân, 97 máy móc, thiết bị thi công xuyên lễ Quốc khánh. Hiện khối lượng thi công đạt hơn 41%. Cầu Đại Ngãi 1 (vốn đầu tư 4.896 tỷ đồng) cũng sẽ được mời thầu trong quý III/2024 và khởi công sau đó để hướng tới mục tiêu hoàn thành toàn bộ Dự án cầu Đại Ngãi (vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng) vào năm 2028.
Những công trình trên là những mảnh ghép quan trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông ĐBSCL hiện đại, tạo đột phá cải thiện đời sống người dân.
Hàng loạt đại công trình hạ tầng giao thông đang xây dựng sẽ tạo sức bật mới cho đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ. Ảnh: Nhã Chi |
Miền Đông, sức bật mới
Gia đình bà Nguyễn Thị Mai nằm trong số 7.200 hộ dân thuộc 6 xã gồm: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An, Long Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) phải giải tỏa 5.399 ha đất để xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành. Bà Mai cho biết, khi biết trong diện phải giải tỏa trắng, rời xa nơi sinh sống mấy chục năm qua, gia đình rất lo lắng chuyện an cư, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, gia đình bà Mai rất ủng hộ chủ trương đầu tư sân bay Long Thành để phát triển kinh tế địa phương và đất nước. Đến nay, sau 4 năm, cuộc sống gia đình 6 thành viên của bà đã ổn định với căn nhà mới tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
“Cuộc sống ở nơi ở mới tốt hơn so với trước đây, đường sá rộng thoáng, đi lại thuận tiện; trường học khang trang cho lũ trẻ học hành. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tốt và rất đồng bộ”, bà Mai nói. Thấy công trường xây dựng nhộn nhịp, hình hài sân bay Long Thành dần hiện hữu, bà cảm thấy phấn khởi và mong chờ sân bay sớm đi vào khai thác để 2 cậu con trai được sắp xếp công việc, tạo sinh kế tốt hơn.
Cảng HKQT Long Thành là công trình cấp đặc biệt với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, khi đi vào hoạt động sẽ trở thành cảng hàng không lớn nhất Việt Nam, một trong những điểm trung chuyển quốc tế nhộn nhịp trong tương lai. Với sự tập trung nguồn lực cao độ, tốc độ xây dựng đang diễn ra rất nhanh. Trong đó, hạng mục đường cất hạ cánh vượt 2 tháng so với kế hoạch. Tại hạng mục nhà ga hành khách, từ tháng 9/2024, các nhà thầu hoàn thành toàn bộ kết cấu bê tông cốt thép, bắt đầu lắp dựng kết cấu thép mái. Các dự án thành phần đều được đẩy nhanh xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2026.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, người dân Đồng Nai đang rất mong chờ ngày Cảng HKQT Long Thành đi vào hoạt động. Quy hoạch Tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 2 trung tâm logistics quy mô lớn là phía Đông Bắc (xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) và phía Nam (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành). Tổng kho trung chuyển miền Đông cũng được nghiên cứu quy hoạch. Các trung tâm này sẽ kết hợp với Cảng HKQT Long Thành, hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, đường sắt, hệ thống cảng biển trên sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu - Nhà Bè, sông Thị Vải hình thành chuỗi liên kết dịch vụ logistics, tạo động lực phát triển, là yếu tố then chốt nâng tầm kinh tế.
Không chỉ mang đến cơ hội cho người dân tại Đồng Nai, Cảng HKQT Long Thành cùng hàng loạt công trình đang xây dựng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 - TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tạo sức bật mới cho đầu tàu kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Hiện TP.HCM và chính quyền các địa phương trong vùng đang nỗ lực vượt thách thức để hoàn thành các công trình này trong năm 2026. Số liệu mới nhất cho thấy, tiến độ giải ngân xây dựng nhiều đoạn tuyến cao tốc, vành đai được đảm bảo theo kế hoạch năm 2024. Đơn cử, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 47,1%; Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An đạt 75,2%, đoạn qua tỉnh Bình Dương đạt 38,1%…
Ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai chia sẻ, doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM rất kỳ vọng vào việc sớm hoàn thành xây dựng các công trình cao tốc, Vành đai 3 - TP.HCM và Cảng HKQT Long Thành. Khi tất cả các dự án này đi vào khai thác, hình thành hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức hiện đại, đồng bộ, có năng lực thông thương lớn cho hàng hóa xuất khẩu từ hàng chục khu công nghiệp tới các cảng biển khu vực TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không gian kinh tế Đông Nam Bộ, ĐBSCL, Tây Nguyên sẽ kết nối liên vùng, thuận lợi vươn tầm ra thế giới, tạo đột phá mới và giá trị mới.
“Cải thiện hạ tầng là một trong những yếu tố sẽ tạo đột phá để vùng Đông Nam Bộ hướng tới tầm nhìn 2045 trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra”, ông Trọng nhấn mạnh.