Những công trường “không ngủ”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 kéo dài 4 ngày, song trên nhiều công trường xây dựng đường cao tốc, sân bay phía Nam, các chủ đầu tư, nhà thầu vẫn duy trì nhịp độ thi công “3 ca, 4 kíp” dưới nắng mưa thất thường, hướng tới mục tiêu đảm bảo tiến độ các gói thầu. Hòa cùng niềm tự hào dân tộc, từng giọt mồ hôi của những người thợ vẫn lặng lẽ rơi xuống công trường góp sức tạo nên những công trình hạ tầng giao thông rộng dài tương lai đất nước.
Khó khăn về nguồn cát dần được tháo gỡ, nhịp độ thi công “nóng” hơn tại Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Song Lê
Khó khăn về nguồn cát dần được tháo gỡ, nhịp độ thi công “nóng” hơn tại Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Song Lê

Trên công trường Dự án thành phần (DATP) 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các nhà thầu đang nhộn nhịp thi công nhiều hạng mục. Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Dương Hồng Quân, Chỉ huy trưởng thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết, Nhà thầu tổ chức 5 mũi thi công với gần 100 thiết bị và 200 người trên đoạn tuyến 14,2 km, thi công nhiều hạng mục như: cống, đắp đất K95, K98, cấp phối đá dăm, lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng, hầm chui... Dù thời tiết mưa, nắng thất thường, nhưng anh em cán bộ, kỹ sư, công nhân nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì nhịp độ lao động cao.

Trên toàn tuyến công trường dài 19,5 km thuộc DATP 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, 3 nhà thầu trong liên danh gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty CP 479 Hòa Bình, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 đều đang tổ chức thi công rầm rộ.

Ông Nguyễn Công Danh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư) cho biết, hiện tại, các nhà thầu duy trì thi công “3 ca, 4 kíp”, phấn đấu hoàn thiện hạng mục đắp đất nền đường, cống thoát nước trước cao điểm mùa mưa. Chủ đầu tư đang tập trung hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, trong đó có 14 đường điện của doanh nghiệp để mặt bằng không làm ảnh hưởng đến đường găng tiến độ chung của Dự án là thông xe kỹ thuật trước 30/4/2025.

Cũng tại vùng Đông Nam Bộ, các nhà thầu đang tổ chức thi công đồng loạt 10 gói thầu xây lắp chính thuộc Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM, đoạn qua TP.HCM. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, các nhà thầu dồn lực thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến, đẩy nhanh tiến độ thi công nền đường đoạn xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm, cọc đất gia cố xi măng và thi công bấc thấm tại 4 gói thầu xây lắp XL3, XL6, XL8, XL9. Được khởi công vào tháng 7/2023, giá trị xây lắp của 4 gói thầu trên đạt hơn 22% so với hợp đồng. Với 6 gói thầu xây lắp gồm XL1, XL2, XL4, XL5, XL7, XL10 (khởi công tháng 2/2024), các nhà thầu đang tập trung thi công hạng mục kết cấu phần dưới công trình và xử lý đất yếu, giá trị xây lắp tới nay đạt trên 9%. Phấn đấu hoàn thành một số hạng mục của Gói thầu XL1 để đảm bảo khai thác đồng bộ, kết nối cầu Nhơn Trạch với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào ngày 30/4/2025; hoàn thành toàn bộ Dự án vào tháng 6/2026.

Thi công cầu vượt cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua Hậu Giang. Ảnh: Nhã Chi

Thi công cầu vượt cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua Hậu Giang. Ảnh: Nhã Chi

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thi công xây dựng cầu đường Hồng An, nhà thầu tham gia thi công Gói thầu XL9 đoạn qua huyện Bình Chánh cho biết, Hồng An duy trì nhịp độ thi công cao xuyên lễ Quốc khánh với nhân sự hàng trăm người, đủ máy móc nhằm đảm bảo tiến độ phần việc Nhà thầu đảm nhiệm.

Đi thực tế các DATP khác thuộc Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận không khí lao động rộn ràng tại công trường cầu Bình Gởi (tỉnh Bình Dương); cầu Tân Bửu, nút giao cuối tuyến (tỉnh Long An); cầu Nhơn Trạch vượt sông Đồng Nai, nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai.

Ở khu vực Tây Nam Bộ, các công trường thi công cao tốc cũng nhộn nhịp không kém. Tại Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, các nhà thầu đang thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đến cuối tháng 8/2024 sản lượng thi công đạt 38,6% giá trị hợp đồng, trong đó DATP đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 42%, DATP đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 36,6%. Các nhà thầu đang thi công 119/126 cầu trên tuyến, dự kiến cơ bản hoàn thành phần cầu trong năm 2024. Chiều dài phần tuyến phải xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm là 92,81 km, đã thi công đắp cát đến cao độ cắm bấc thấm được 64,56 km. Đơn vị thi công đang ưu tiên đắp gia tải các đoạn tuyến đã cắm bấc thấm, đồng thời tiếp tục đắp nền các đoạn còn lại. Dự kiến công tác đắp gia tải hoàn thành trước 31/12/2024. “Đến nay, Dự án giải ngân đạt 62% kế hoạch vốn năm 2024. Với việc tập trung nguồn lực và tăng ca, kíp như hiện nay, Dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025”, ông Tuân nói.

Với 2 dự án cao tốc trục ngang gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, nhịp độ thi công cũng đang “nóng” hơn khi khó khăn về nguồn cát đắp nền dần được tháo gỡ. Tại DATP 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), nhà thầu thi công Gói thầu xây lắp số 1 (Km94+400 - Km113+200) đã triển khai 30 mũi thi công với hơn 100 tổ, đội xây dựng đồng bộ các hạng mục. Về phần cầu, nhà thầu đã triển khai đồng loạt tất cả 12 cầu trên tuyến. Một số cầu lớn như: cầu Xà No, cầu vượt Quốc lộ 61C, cầu vượt Quốc lộ 61 đã tổ chức lao lắp dầm cầu. Sau khi được UBND tỉnh An Giang cấp mỏ cát (tháng 4/2024), nhà thầu đang tập trung thi công tuyến chính và đã đắp cát được khoảng 5,5 km. Đến nay, Gói thầu số 1 thực hiện được khoảng 24,84% giá trị hợp đồng, vượt 11% so với kế hoạch. Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang cho biết, lũy kế đến nay, Dự án thành phần 3 giải ngân được 2.589 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch.

Không chỉ các tuyến cao tốc, công trường xây dựng các cảng hàng không cũng hối hả bứt tốc trong dịp nghỉ lễ. Tại Gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, các nhà thầu huy động gần 2.400 người và hơn 1.500 thiết bị máy móc ngày đêm thi công liên tục. Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tới nay, Nhà ga hành khách đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép cột, dầm sàn lầu 1, lầu 2, lầu 3. Cuối tháng 8, Liên danh nhà thầu Vietur tiến hành lắp dựng kết cấu thép mái. “Tiến độ thi công phần thô Gói thầu 5.10 vượt tiến độ 20 ngày, tiến độ tổng thể vượt 10 ngày so với hợp đồng”, ông Dương Quang Điện, quyền Giám đốc Ban QLDA Sân bay Long Thành (thuộc ACV) cho biết.

Ngày và đêm trên các công trình giao thông trọng điểm

Ngày và đêm trên các công trình giao thông trọng điểm

Song song với thi công phần thô, toàn bộ công tác mua sắm, đặt hàng thiết bị ME (cơ điện), thiết bị nhà ga, hệ thống HBS, vách kính mặt đứng đã được triển khai ký hợp đồng với các nhà cung cấp, nhà sản xuất và đang trong quá trình sản xuất, gia công cấu kiện... theo tiến độ đề ra. Mục tiêu là hoàn thành toàn bộ phần xây dựng trước tháng 12/2025, hoàn thành lắp dựng mặt đứng trước tháng 3/2026 và phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác nhà ga vào tháng 8/2026.

Trên công trường Nhà ga hành khách T3, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, những ngày đầu tháng 9/2024, gần 2 nghìn người cùng thiết bị tấp nập thi công các hạng mục nhà ga, nhà xe, đường tầng trên cao trong cái nắng gay gắt. Tiến độ công trình trọng điểm này đã vượt kế hoạch. Ông Võ Thanh Phong, Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 3, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, dù điều kiện thời tiết khó khăn, nhưng nhà thầu tiếp tục tăng cường huy động nhân lực, thiết bị, tăng mũi thi công, làm việc 3 ca, 4 kíp để sớm hoàn thành công trình.

Theo ACV, tính đến giữa tháng 8/2024, giá trị thi công đạt 5.880,2 tỷ đồng, tương ứng 54,3% tổng giá trị hợp đồng và dự kiến Nhà ga hành khách T3 sẽ hoàn thành toàn bộ vào ngày 30/3/2025.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ phát động "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", các địa phương, chủ đầu tư, ban QLDA, các nhà thầu và đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, cán bộ, công nhân, người lao động và nhân dân đồng lòng “vượt nắng, thắng mưa”, nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy nhanh nhịp độ xây dựng các dự án hạ tầng giao thông phía Nam, góp phần kiến tạo những công trình mang vóc dáng thế kỷ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư