Nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ bật tăng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng những tháng đầu năm khá ảm đạm do thị trường có nhiều diễn biến bất lợi. Trong những tháng cuối năm 2022, tình hình tiêu thụ cũng như giá cả hàng hóa các mặt hàng này liệu có sáng sủa hơn khi mùa xây dựng bắt đầu?
Một số DN đã điều chỉnh tăng giá bán thêm 200 - 300 đồng/kg. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Một số DN đã điều chỉnh tăng giá bán thêm 200 - 300 đồng/kg. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Sản xuất vẫn khó khăn

Cuối tuần trước, sau một thời gian dài liên tục điều chỉnh giảm giá bán, một số doanh nghiệp (DN) thép như: Công ty CP Sản xuất Thép Việt Đức; Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên… đã điều chỉnh tăng giá bán thêm 200 - 300 đồng/kg đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng các chủng loại. Nguyên nhân điều chỉnh được các nhà sản xuất cho biết là do hiện giá phôi thép và nguyên vật liệu tăng.

Với DN xi măng, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, hiện giá than thế giới và than trong nước vừa cao vừa thiếu nên sản xuất xi măng sẽ không dễ dàng.

Theo một cán bộ thuộc Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch, mặc dù giá than có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Công ty nói riêng và ngành xi măng nói chung. “Việc sản xuất xi măng vẫn chưa hết khó khăn do giá than tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái”, cán bộ này thông tin.

Một DN sản xuất xi măng khác cũng cho biết, vừa qua, DN đã phải cho dừng 4 dây chuyền sản xuất do giá than cám loại 4b mà đơn vị nhập về đã lên tới 5,5 triệu đồng/tấn, trong khi trước kia chưa đến 2 triệu đồng/tấn. Cùng đó, giá xăng dầu, giá thạch cao cũng tăng trong nửa đầu năm 2022. Các yếu tố này đã đẩy chi phí sản xuất xi măng tăng phi mã. Theo DN, mỗi tấn xi măng sản xuất ra có giá thành 1,4 - 1,5 triệu đồng, trong khi giá bán ra thị trường chỉ 1,1 - 1,3 triệu đồng. Như vậy, mỗi tấn xi măng, DN lỗ từ 200.000 đến 240.000 đồng.

Bổ sung thêm, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho hay, trong tháng 8, nhiều cây xăng trên cả nước thông báo hết xăng hoặc bán cầm chừng với lý do thiếu nguồn cung cũng có tác động bất lợi đến việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN vật liệu xây dựng, nhất là khâu vận chuyển hàng hóa tăng. “Nếu tình hình này không cải thiện sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vật liệu xây dựng thời gian tới”, ông Nga cho hay.

Tình hình sẽ khả quan?

Dự báo về tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng từ nay tới cuối năm, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, cuối năm cũng là mùa xây dựng nên khả năng tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng sẽ cải thiện hơn so với những tháng đầu năm. Từ đó, giúp DN sản xuất vật liệu xây dựng giải quyết được hàng tồn kho và cân đối cung cầu trên thị trường nội địa. Về giá cả, MXV cũng dự báo, giá thép và giá xi măng sẽ ổn định hơn.

Tuy nhiên, ông Tống Văn Nga cho rằng: “Chưa chắc từ nay tới cuối năm giá vật liệu xây dựng sẽ tăng, bởi việc tiêu thụ tăng hay giảm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”. Theo ông Nga, nếu nguồn cung xăng dầu không ổn định, giá thành sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm sức cạnh tranh của DN vật liệu xây dựng.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Quang Cung nhấn mạnh: “Với DN xi măng, vận chuyển đá vôi, đất sét tốn rất nhiều xăng dầu. Nếu giá dầu cao chắc chắc ảnh hưởng lớn đến giá sản phẩm xi măng”.

Về tình hình tiêu thụ xi măng từ nay tới cuối năm, ông Cung nhận định sẽ khó có sự bứt phá, bởi dù Chính phủ có nhiều giải pháp quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, song các số liệu cho thấy, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chưa được như kỳ vọng, dẫn đến sản lượng tiêu thụ vật liệu cũng ảm đạm.

Trong khi đó, trên thế giới, nhiều dự báo chỉ ra hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đối mặt với khó khăn do lạm phát cao; việc gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ còn tiếp diễn… Những yếu tố này có thể tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như xuất khẩu của các DN vật liệu xây dựng trong nước.

“Dự kiến, ngày 13/9 tới, Hiệp hội Xi măng Việt Nam sẽ họp phiên toàn thể, trong đó sẽ bàn kỹ về những khó khăn, thách thức cũng như giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Cung cho hay.

Để giảm thiểu rủi ro, đại diện các hiệp hội DN sản xuất đề nghị các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… nhằm thúc đẩy tiêu thụ vật liệu xây dựng, kích thích sản xuất và tăng trưởng. Bản thân các DN chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, có phương án ứng phó linh hoạt với những biến động khó lường của thị trường…

Chuyên đề