Có 86 cổ phiếu thuộc bảng UPCoM Premium |
Thanh khoản chưa cải thiện
Sau khi công bố 86 cổ phiếu thuộc bảng Premium trong tháng 6, đầu tháng 7, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã bổ sung 3 cổ phiếu mới vào danh sách. Đó là mã IPA của CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A, MGC của CTCP Địa chất Mỏ - TKV và CNN của CTCP Tư vấn công nghệ, Thiết bị và kiểm định xây dựng – COINCO, qua đó, nâng số lượng cổ phiếu bảng này lên 89 mã.
Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 20/7/2016, tổng khối lượng giao dịch của 89 cổ phiếu thuộc UPCoM Premium đạt 85,8 triệu đơn vị, tương ứng 1.667,4 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 46,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 909 tỷ đồng. Với 19 phiên giao dịch, khối lượng khớp lệnh trung bình của UPCoM Premium chỉ đạt khoảng 2,45 triệu đơn vị/phiên, trong khi đó, riêng khối lượng giao dịch của cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn này là GEX (Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam, Gelex) đã đạt trên 1 triệu đơn vị/phiên. Như vậy, 88 mã còn lại “chia nhau” thanh khoản hơn 1 triệu cổ phiếu/phiên.
Thực tế cho thấy, ngay tại những mã cổ phiếu “hot” trên sàn UPCoM như GEX, MSR, VLC, DDV, SWC, thanh khoản cũng không có sự cải thiện so với trước khi ra mắt bảng UPCoM Premium và quy định về giao dịch ký quỹ được “mở cửa”.
UPCoM Premium Index – chỉ số phản ánh xu hướng biến động giá của các cổ phiếu thuộc UPCoM Premium cũng chỉ tăng 0,3 điểm trong gần 1 tháng qua, từ 97,3 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6 lên 97,6 điểm lúc chốt phiên ngày 20/7.
Margin chưa thành “doping” cho UPCoM
Việc phân loại cổ phiếu trên sàn UPCoM và mở quy định cho phép giao dịch ký quỹ với cổ phiếu thuộc bảng UPCoM Premium từ 1/7/2016 là một nỗ lực đáng kể của HNX trong bảo vệ nhà đầu tư cũng như tăng sức hút cho sàn này. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều yếu tố khiến UPCoM Premium chưa thể thu hút dòng tiền đầu tư.
Margin vốn là “doping” cho thị trường niêm yết, nhưng khi được phép áp dụng lại chưa tạo được sự hưng phấn cho thị trường UPCoM. Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành, do thanh khoản của cổ phiếu trên UPCoM kém, nên các công ty chứng khoán không quá mặn mà cung cấp dịch vụ này.
Nhiều cổ phiếu trong danh sách UPCoM Premium gần như không có giao dịch hoặc giao dịch vài nghìn đơn vị/phiên. Trong khi đó, với các cổ phiếu tốt, thanh khoản ổn định, trước khi có quy định cho phép, một số công ty chứng khoán cũng đã “vượt rào” cho vay, nên tác động đối với nhóm này tạm thời là chưa lớn.
Một yếu tố khác được nhắc đến là phần đông trong số doanh nghiệp thuộc bảng Premium đều có vốn điều lệ nhỏ, chưa có tên tuổi trên thị trường nên việc tạo được lòng tin ở nhà đầu tư là không hề dễ dàng. Thêm vào đó, sau vụ bê bối của Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung, gây thiệt hại lớn cho nhiều nhà đầu tư thì sự thận trọng của giới đầu tư là điều có thể hiểu được.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, tác động của việc phân bảng UPCoM Premium và chính sách mở đường cho cổ phiếu thuộc bảng này được giao dịch ký quỹ chưa như kỳ vọng của nhiều người. Tuy nhiên, với những động thái của cơ quan quản lý trong việc minh bạch hóa sàn UPCoM, niềm tin của nhà đầu tư được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục để UPCoM tiếp tục là một lựa chọn của dòng tiền đầu tư bên cạnh 2 sàn niêm yết.
Theo Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên TTCK có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, chứng khoán được giao dịch ký quỹ là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở GDCK và đáp ứng các tiêu chí theo hướng dẫn của UBCK.
Trước đó, theo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ bao gồm: cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán, không bao gồm các chứng khoán đăng ký niêm yết giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM và không thuộc các trường hợp niêm yết dưới 6 tháng, bị tạm ngừng giao dịch, hủy niêm yết, vào diện cảnh báo, kiểm soát hoặc có lỗ căn cứ trên báo cáo tài chính gần nhất đã kiểm toán.