Nhớ về mong mỏi tha thiết nhất của Bác Hồ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dấu mốc 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1045 - 2/9/2023), người dân Việt Nam tự hào báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại khi đất nước ta đã và đang từng ngày phát triển, mạnh giàu. Từ một đất nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam chưa bao giờ có được vị thế như hôm nay, với quy mô 100 triệu dân và GDP đứng thứ 37 trên toàn thế giới. Những gian lao thời chiến lùi xa, nhường bước cho tương lai dân tộc bừng sáng…
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 trên thế giới
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 trên thế giới

Với tấm lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, ngay khi mới giành được chính quyền, năm 1946, Người đã chia sẻ với các nhà báo niềm mong muốn tột bậc của mình: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Với mong muốn đó, việc đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh làm là kêu gọi cả nước đoàn kết đứng lên chống giặc ngoại xâm, giành độc lập và tiến hành chiến dịch chống giặc dốt và giặc đói. Bác đã lãnh đạo Cách mạng, dẫn dắt Nhân dân ta vượt bao khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Cả cuộc đời Người không ngừng hy sinh, phấn đấu quên mình cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh, một dân tộc Việt Nam tự do và hạnh phúc. Bác đã hiệu triệu toàn dân với lời kêu gọi vang vọng non sông: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hàng triệu người dân đã đứng lên làm theo lời Bác: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Dân tộc Việt Nam tự quyết số phận của mình, không phụ thuộc vào bất cứ thế lực bên ngoài nào khác.

Cùng với khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu một mong muốn người dân Việt Nam được sống trong ấm no, tự do, hạnh phúc. Khát vọng tự chủ, tự cường, dân giàu, nước mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu cứ theo Bác trên con đường làm Cách mạng. Đến những phút cuối cuộc đời, Bác vẫn đau đáu đến vấn đề làm thế nào xây dựng Việt Nam to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong di chúc, Người đã viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Kỷ niệm 78 năm lập quốc, chúng ta có thể tự hào báo công với Bác, đất nước đã và đang không ngừng phát triển, từng bước giàu mạnh. Về dân số, Việt Nam đạt mốc 100 triệu người vào tháng 4/2023, đứng thứ 15 trên thế giới. Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 của Liên Hợp quốc được công bố, theo đó, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 trên thế giới. Về kinh tế, quy mô nền kinh tế khoảng 410 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào “Câu lạc bộ 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới”, theo một xếp hạng của IMF. Với GDP bình quân đầu người đạt 4.100 USD (năm 2022), Việt Nam đang trên đà hiện thực hóa mục tiêu GDP/người đạt 4.700 - 5.000 USD vào năm 2025. Hàng loạt quyết sách, quy hoạch, chiến lược phát triển với tầm nhìn 10 năm, 20 năm, 30 năm đã và đang được hoàn thiện. Trên trường quốc tế, Việt Nam đang thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), là đối tác chiến lược, đối tác quan trọng của nhiều nước lớn trên thế giới. Sau dấu ấn huy hoàng giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nhớ Bác, bên cạnh niềm tự hào về thành quả 78 năm lập quốc, chúng ta không quên nhắc nhau sống với tâm thái nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và phấn đấu không mệt mỏi để Việt Nam phát triển về chất, nhanh chóng chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và kinh tế tri thức. Thực tế, còn nhiều vấn đề, nhiều việc chúng ta chưa làm tốt như mong muốn của Bác Hồ. Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh so với chính mình của nhiều năm về trước, nhưng chưa thực sự lớn mạnh trên trường quốc tế. Nhiều khó khăn, vướng mắc bộc lộ rõ nét, nhất là trong giai đoạn 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua. Tỷ lệ thất nghiệp, hộ nghèo nước ta còn lớn, nhiều vùng, miền còn kém phát triển... Trên trường quốc tế, nguy cơ tụt hậu là một thực tế khi nước ta chưa xây dựng được năng lực cạnh tranh riêng biệt, chưa xây dựng được nền khoa học, công nghệ theo kịp một số nước trong khu vực. Thực tế này là những thách thức lớn, đòi hỏi phải có quyết sách đúng đắn, sáng tạo mới có thể đưa đất nước vững vàng đi lên và đạt mức tăng trưởng kinh tế 7%/năm.

Mục tiêu dài hạn đã được ghi trong Chiến lược phát triển đất nước: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tuy nhiên, chọn giải pháp nào, con đường nào để hiện thực hóa mục tiêu ấy phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên của đất nước.

Để dựng xây tương lai tươi sáng, tinh thần đoàn kết, siết chặt hàng ngũ, đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư tật xấu, tha hóa, biến chất có vai trò quan trọng không kém tinh thần khơi dậy khát vọng dân tộc, khát vọng non sông, tôn vinh người tài, tạo cơ hội cho người tài phát triển. Trong tác phẩm “Cần kiệm liêm chính”, Bác chỉ ra, uy tín của Đảng cầm quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên và lòng tin của Nhân dân gắn liền với sự tu dưỡng và gương mẫu thực hành đạo đức cách mạng, cho nên, nếu mỗi cán bộ, đảng viên chỉ biết nói lời hay, ý đẹp nhưng không gương mẫu thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” thì cũng không thể quy tụ, lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Vì thế, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” không chỉ giúp người cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn mình, mà còn tạo ra sức mạnh mềm và sức hấp dẫn của một tổ chức, của cả một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”, Bác căn dặn.

Với Bác Hồ, chủ nghĩa xã hội là làm cho dân được ấm no, tự do, hạnh phúc, xứng đáng với dòng chữ in dưới tên đất nước: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Đây phải là mục tiêu, là lẽ sống, là chân giá trị, là con đường phấn đấu không mệt mỏi, là khát vọng của toàn Đảng, toàn dân tộc hôm nay và mai sau.

Chuyên đề