Nhiều yếu tố tác động tăng trưởng tín dụng 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn cao song tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 được dự báo sẽ ở mức bằng hoặc thấp hơn năm 2022 do áp lực lạm phát, tỷ trọng tổng cung tín dụng so với tổng sản phẩm quốc nội hiện đã ở mức cao, thanh khoản nền kinh tế có thể được cải thiện nhờ các giải pháp khơi thông thị trường vốn.
Các tổ chức tín dụng dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023. Ảnh: Minh Dũng
Các tổ chức tín dụng dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023. Ảnh: Minh Dũng

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh và xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý I/2023 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý I/2023, nhưng “tăng” với tốc độ chậm trong năm 2023 so với năm 2022. Trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023.

Các TCTD nhận định, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng trong năm 2022 tăng cao hơn so với năm 2021 nhưng chưa đạt mức kỳ vọng và dự báo tiếp tục “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023 đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn. Trong đó, dự báo nhu cầu tín dụng ngắn hạn “tăng” cao hơn trung và dài hạn, nhu cầu vay vốn VND “tăng” cao hơn ngoại tệ.

Các TCTD cho biết, 6 tháng cuối năm 2022 đã nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, thắt nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp và thắt chặt hơn tiêu chuẩn tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản, kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023, có 61,6% - 64,6% TCTD dự kiến giữ nguyên tiêu chuẩn tín dụng, chỉ có 19,2% - 20,2% TCTD dự kiến thắt chặt nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể, tuy nhiên mức độ thắt chặt đã giảm so với 6 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2022, đồng thời có 16,2 - 17,2% TCTD dự kiến “nới lỏng”. Dự kiến “thắt chặt” chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, khoản vay trung, dài hạn và khoản vay bằng ngoại tệ.

Một số yêu cầu thắt chặt là tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng tín dụng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng để đảm bảo an toàn; trong khi tiếp tục nỗ lực thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân đối với hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh để hỗ trợ nền kinh tế.

Tại Báo cáo nghiên cứu ngành ngân hàng vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT nhận xét: “Tín dụng hệ thống đã tăng 14,5% trong năm 2022, cao hơn mức năm 2021 (+13,6%). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12/2022, chậm lại rõ rệt khi ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2022 và kể cả năm 2023 - 2024”.

Cũng theo nhóm nghiên cứu này, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, nhưng lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì ở mức cao do mức tăng lương cơ sở 20,8% từ tháng 7/2023 và đà tăng giá các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng…

Mặt khác, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân kéo chậm đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận chỉ số dư nợ tín dụng/số vốn huy động (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%) tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng: “Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% (thấp hơn hẳn mức tăng trên 8% năm 2022) và mục tiêu kiềm chế lạm phát 4,5%, tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ khó có thể cao hơn năm 2022. Mặt khác, có thể nhìn nhận ở khía cạnh tích cực hơn là các ách tắc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được khơi thông trong năm 2023, góp phần giảm nhẹ gánh nặng nguồn vốn với kênh tín dụng, đây cũng là yếu tố giúp hãm đà tăng của tín dụng năm nay”.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng hàng năm còn được xem xét trong so sánh với quy mô GDP của nền kinh tế để tránh ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng. Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo về quy mô tín dụng/GDP của Việt Nam khoảng 124% là cao. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng 12 - 14%/năm là cao gấp khoảng 2 lần so với tăng trưởng GDP nên tỷ lệ tín dụng/GDP sẽ còn tăng lên nữa. “Đây là một trong những yếu tố khiến NHNN luôn phải cân nhắc, một mặt hỗ trợ nền kinh tế, nhưng phải kiểm soát được rủi ro”, ông Quang chia sẻ.

Chuyên đề