Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ trong mua sắm thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đàm phán giá biệt dược gốc và đấu thầu tập trung (ĐTTT) thuốc cấp quốc gia đang bị chậm trễ, không bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế. Hiện có không ít khó khăn liên quan đến hai hoạt động mua sắm này.
Đàm phán giá biệt dược gốc và ĐTTT thuốc cấp quốc gia đang bị chậm trễ, không bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Đàm phán giá biệt dược gốc và ĐTTT thuốc cấp quốc gia đang bị chậm trễ, không bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Khó khăn từ cách hiểu không thống nhất

Ba gói thầu thuộc Dự toán Cung cấp thuốc giai đoạn 2022 - 2023 với tổng dự toán là 9.189 tỷ đồng được Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế khởi động từ tháng 10/2021, nhưng phải gia hạn thời điểm đóng thầu tới 6 lần và đến nay vẫn chưa có kết quả.

Cùng với đó, các gói thầu đàm phán giá 66 biệt dược gốc đã được gia hạn 2 lần với tổng thời gian gia hạn 150 ngày (trước ngày 31/8/2022) so với thời hạn dự kiến ban đầu (trước ngày 1/4/2022).

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong đấu thầu, đàm phán giá thuốc. Một phần là do khối lượng thuốc trong Danh mục đàm phán giá rất lớn, trong khi chưa xây dựng lộ trình cụ thể, theo từng giai đoạn, nên Trung tâm gặp nhiều khó khăn về nhân sự. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là do cách hiểu không thống nhất đối với cùng một văn bản pháp luật nên mất rất nhiều thời gian để giải trình, làm rõ.

Ví dụ như cách hiểu khác nhau về việc áp dụng cơ chế gia hạn đối với các thuốc và nguyên liệu làm thuốc có số đăng ký lưu hành (SĐKLH) hết hiệu lực từ ngày 31/12/2021 đến trước ngày 31/12/2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn SĐKLH do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15. Một số ý kiến cho rằng, các mặt hàng thuốc này sẽ được tự động gia hạn mà doanh nghiệp không phải làm thêm bất kỳ thủ tục gì, nhưng một số khác lại cho rằng phải được Bộ Y tế cấp phép gia hạn. Thực tế, một số thuốc đã được doanh nghiệp nhập về nhưng vì cách hiểu khác nhau này nên không thể tham dự thầu. Ngoài ra, việc xác định những mặt hàng nào chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng mất nhiều thời gian.

Hay cách hiểu khác nhau về tính hợp pháp đối với số thuốc hết hạn SĐKLH từ ngày 31/12/2021 đến trước ngày 2/6/2022 (thời điểm chưa được Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế công bố quyết định gia hạn SĐKLH). Nếu trúng thầu cung cấp số thuốc này thì ai là người chịu trách nhiệm về tính hợp pháp?

Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương, cơ sở y tế chủ động tổ chức lựa chọn nhà thầu để đảm bảo phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Song trên thực tế, rất nhiều bệnh viện vẫn chờ đợi kết quả ĐTTT cấp quốc gia và đàm phán giá.

Theo bà Ngọc Bảo, nguyên nhân là các bệnh viện quan ngại về khó khăn, rủi ro có thể gặp phải khi chủ động đấu thầu như nguy cơ xuất toán liên quan các thuốc đã trúng thầu. Nếu họ tự mua mà 1 - 2 tháng sau có kết quả ĐTTT cấp quốc gia thì số thuốc đã mua có được thanh toán không? Giá bán lẻ khác giá bán sỉ, nếu mua với số lượng ít thì giá sẽ cao hơn, gây ra tình trạng chênh lệch giá giữa các địa phương, giữa cấp Trung ương và địa phương thì rất khó giải trình sau này…

“Chốt” thời hạn hoàn thành đấu thầu thuốc

Hậu quả của việc chậm trễ mua sắm là người bệnh không được tiếp cận các thuốc biệt dược gốc thiết yếu như: thuốc điều trị bệnh mạn tính, hồi sức cấp cứu…

Doanh nghiệp, nhà thầu tham dự các gói thầu cũng vô cùng sốt ruột, vì đối mặt với nguy cơ không được đàm phán giá và phải chờ gia hạn hiệu lực/duy trì hiệu lực của SĐKLH và/hoặc giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc (GMP). Cho đến nay, Bộ Y tế mới hoàn thành công bố đợt 1 Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn hiệu lực SĐKLH, đợt 2 dự kiến hoàn thành trước ngày 15/7/2022. Trong khi đó, theo hồ sơ yêu cầu các gói thầu đàm phán giá, những thuốc hết hiệu lực SĐKLH và/hoặc GMP trước thời điểm đàm phán giá sẽ phải chứng minh đủ tồn kho để tiếp tục thực hiện đàm phán giá.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Tiểu ban Pharma Group và các thành viên vừa có văn bản kiến nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá đối với 66 thuốc biệt dược gốc, với mốc thời gian cần hoàn thành là trước ngày 31/8/2022 (thời hạn hết hiệu lực của hồ sơ đề xuất, sau khi đã gia hạn lần thứ 2), trong đó cân nhắc thực hiện trước các thuốc đáp ứng đầy đủ điều kiện.

Đối với các gói thầu MSTT, bà Ngọc Bảo cho biết, Bộ Y tế đang nỗ lực hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và ký thỏa thuận khung trước 15/7/2022. Kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đã được phê duyệt ngày 22/6/2022 và dự kiến mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 29/6/2022 (sau khi dành 1 tuần cho các nhà thầu tham dự phản hồi về kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư