Ảnh Internet |
Tuy nhiên, hiện tại các khoản nợ đang khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty sa sút, giá cổ phiếu đã rơi xuống thấp hơn cả mệnh giá.
Khó hoàn thành kế hoạch 2017
Theo Báo cáo thường niên 2016 của Hùng Vương, năm 2017 kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của Công ty lần lượt là 20.000 tỷ đồng và 400 tỷ đồng. Đây là một kế hoạch tham vọng khi Công ty vừa trải qua một năm 2016 khó khăn với lãi ròng chỉ vỏn vẹn gần 10 tỷ đồng (giảm 92% so với năm 2015). Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Công ty 6 tháng cho niên độ kế toán năm 2017 hầu như không khởi sắc, thậm chí sụt giảm.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2017 đã kiểm toán niên độ từ ngày 30/9/2016 đến 31/3/2017. Doanh thu của Công ty đạt 8.761 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận gộp chỉ đạt 470 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2016 do tốc độ tăng của giá vốn là 8,5%.
Doanh thu hoạt động tài chính của Công ty giảm từ 64 tỷ đồng xuống còn 54 tỷ đồng (giảm gần 15%). Trong khi đó chi phí tài chính lại tăng nhẹ từ 230 tỷ đồng lên 243 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí tài chính là lãi vay, chiếm 78%. Chi phí lãi vay lớn cộng thêm các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới hơn 300 tỷ đồng đã làm cho lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh âm tới 145 tỷ đồng. Năm ngoái, con số này là âm 143 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng niên độ kế toán năm 2017, Công ty ghi nhận lỗ trước thuế 154 tỷ đồng, tăng gần 14% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Giải trình cho giảm sút lợi nhuận, Công ty cho biết, doanh thu từ thức ăn chăn nuôi giảm do không đủ cá giống, nông dân buộc phải cắt giảm sản lượng nuôi trồng, nhu cầu tiêu thụ thức ăn từ đó giảm theo. Đồng thời, giá cá nguyên liệu tăng do sản lượng thiếu hụt. Công ty cho biết thêm, giá xuất khẩu cá fillet cũng tăng mạnh do cung không đủ cầu. Do vậy, Công ty chủ động giữ hàng, không bán ngay ra thị trường để chờ ký những hợp đồng giá cao và sẽ dùng doanh thu quý III và quý IV sắp tới để bù đắp sự sụt giảm doanh thu.
Đơn vị tính: tỷ đồng
Nợ phải trả tăng mạnh
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh của Hùng Vương năm 2016 và thua lỗ trong 2 quý đầu của niên độ kế toán năm 2017 là chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí nợ vay. Vay nợ nhiều đã đẩy chi phí tài chính tăng cao và bào mòn lợi nhuận của Công ty.
Chỉ trong vòng 3 năm từ 2014 đến 2016, tổng nợ phải trả của Công ty đã tăng mạnh từ 6.096 tỷ đồng năm 2014 lên 11.138 tỷ đồng năm 2015 (tăng 82%), và năm 2016 là 13.336 tỷ đồng (tăng gần 20%). Tương ứng tổng dư nợ trên tổng tài sản của Công ty từ năm 2014 đến năm 2016 lần lượt là 68%, 77%, và 80%. Đến thời điểm 31/3/2017, tổng dư nợ của Thủy sản Hùng Vương là 12.357 tỷ đồng, chiếm 80% tổng tài sản của Công ty.
Trong cơ cấu nợ của Công ty, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn, và được hình thành chủ yếu từ vay nợ.
Một số khoản nợ lớn của Hùng Vương gồm khoản vay 3.610 tỷ đồng và 198 triệu USD từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương; khoản vay 1.244 tỷ đồng và 455 triệu USD từ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; khoản vay 228 tỷ đồng và 114 triệu USD từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương, được thế chấp bằng cả bất động sản và động sản. Ngoài ra còn các khoản vay khác từ các ngân hàng và qua hình thức trái phiếu.
Ý kiến ngoại trừ của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam về báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2017:
Vào ngày 1 tháng 3 năm 2016, Công ty đã hoàn tất việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu của Công ty với tỷ lệ 20% trên số lượng cổ phiếu phổ thông tại ngày này. Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu này đã được ĐHĐCĐ của Công ty thông qua theo Nghị quyết ngày 9/4/2015 và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận theo Công văn số 7985/UBCK/QLPH vào ngày 25 tháng 12 năm 2015. Theo đó, vốn cổ phần đã góp của Công ty đã tăng từ 1.891.993.320.000 đồng lên 2.270.391.980.000 đồng và đã được phê duyệt theo Giấy chứng nhận đăng ký Kinh doanh điều chỉnh lần thứ 15 vào ngày 14/4/2016. Số cổ phiếu bổ sung đã được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM phê duyệt niêm yết theo Quyết định số 140/QĐ-SGDHCM vào ngày 1/4/2016. Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu này đã làm âm lợi nhuận chưa phân phối lũy kế của Công ty. Tại ngày của báo cáo này, Công ty đã xây dựng và đang thực hiện một kế hoạch chi tiết để khắc phục việc lợi nhuận chưa phân phối lũy kế bị âm trong báo cáo tài chính riêng giữa niên độ thông qua việc dự kiến tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Công ty và điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con.