Nhiều kỳ vọng vào Chính phủ nhiệm kỳ tới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thành công của nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2020, theo các đại biểu Quốc hội, là rất có ý nghĩa, tạo ra dư địa, điều kiện thuận lợi tốt cho Chính phủ các nhiệm kỳ tới có không gian điều hành, hướng tới những mục tiêu dài hạn. Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đặt ra nhiều đề bài mà Chính phủ nhiệm kỳ mới cần có lời giải.
Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng giai đoạn tới việc thu hút nguồn lực tư nhân cho các dự án lớn theo phương thức PPP cần được triển khai hiệu quả hơn. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng giai đoạn tới việc thu hút nguồn lực tư nhân cho các dự án lớn theo phương thức PPP cần được triển khai hiệu quả hơn. Ảnh: Lê Tiên

Cần những đột phá mới về thể chế

Đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng Chính phủ mới sẽ tiếp tục có những giải pháp mới, phù hợp bối cảnh mới, tạo ra một môi trường thông thoáng hơn để doanh nghiệp phát triển và đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy cải cách thể chế, trong đó tập trung vào 2 mũi giáp công là cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử. Trong nhiệm kỳ, chúng ta đã xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con, đã đơn giản hóa và cắt giảm 50 - 60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; trong một số lĩnh vực, 98 - 99% thủ tục hành chính đã được thực hiện trực tuyến. Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan chính quyền các cấp được cải thiện và theo xếp hạng quốc tế, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của nước ta đã lần lượt tăng tới 10 và 20 bậc.

Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, chất lượng thể chế và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa cao. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của chúng ta vẫn chưa lọt vào ASEAN 3, ASEAN 4 như mục tiêu kỳ vọng. Những quy định pháp luật về kinh doanh còn chồng chéo. Cơ chế xin - cho dù đã giảm nhưng thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, tiếp tục gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Chính phủ đã rất thành công trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng thành công này lại đặt ra một thách thức vô cùng lớn cho nhiệm kỳ tới, vì Chính phủ không còn nhiều dư địa để tiếp tục cắt giảm các ràng buộc và thủ tục hành chính. Vì thế đại biểu Hoàng Văn Cường khuyến nghị, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phải thực hiện đột phá thể chế bằng việc thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý. Theo đó, đối tượng quản lý chuyển từ xin phép khai báo trước với cơ quan quản lý sang tự lựa chọn quyết định, tự công khai thông tin, cơ quan quản lý từ nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và tiền kiểm sang nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập thông tin và thực hiện hậu kiểm. Phương thức quản lý này chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý. Đây cần phải là khâu đột phá tiên phong.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cũng nhấn mạnh Chính phủ tập trung xây dựng thể chế, coi thể chế không chỉ là hành lang pháp lý mà trước hết là tài nguyên và nguồn lực phát triển. “Khi xây dựng thể chế, cần đầu tư cao hơn, lắng nghe nhiều hơn, chọn người giỏi hơn và dự báo, dự liệu dài hơn”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Phát huy mọi nguồn lực cho phát triển

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhắc lại, ngay từ đầu nhiệm kỳ, khi thông qua kế hoạch trung hạn, Quốc hội đã đề ra nhiệm vụ là phát huy tối đa tiềm lực của mọi thành phần kinh tế ngoài nhà nước, Nhà nước chỉ đầu tư cho những lĩnh vực dự án mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư. Tiếp đó, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với mong muốn huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ thành phần kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, kết quả huy động nguồn lực tư nhân chưa được như mong muốn. Trong cả nhiệm kỳ có rất nhiều dự án đã phải chuyển từ phương thức PPP sang 100% vốn nhà nước. Tỷ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư tại thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt được 45,6%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, tình trạng này có những nguyên nhân khách quan nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan.

Theo bà Mai, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách khó hơn rất nhiều so với việc dùng ngân sách nhà nước để đầu tư cho các công trình, dự án. Nhưng một Chính phủ kiến tạo phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân. “Chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ làm được điều này. Bởi vì chỉ có như vậy chúng ta mới đủ sức để đi đường dài, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thế giới”, bà Mai kỳ vọng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cũng kỳ vọng giai đoạn tới việc thu hút nguồn lực tư nhân cho các dự án lớn theo phương thức PPP, như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cần được triển khai hiệu quả hơn.

Chuyên đề