Nhiều khó khăn do Covid, nhưng BHXH tự nguyện vẫn tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có thể nói, những tác động của đại dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nặng nề lên toàn bộ nền kinh tế, trong đó có doanh nghiệp và người lao động. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy vậy, kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy những tín hiệu tích cực, đáng ghi nhận, nhất là BHXH tự nguyện.
Nhiều khó khăn do Covid, nhưng BHXH tự nguyện vẫn tăng

5 tháng, BHXH tự nguyện tăng 26 nghìn người so với năm 2019

Thực tế, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, người lao động không có việc làm phải ngưng việc hoặc nghỉ việc, thu nhập người dân giảm do dịch bệnh...

Bức tranh khó khăn chung này dẫn đến tình trạng có một bộ phận không thể tham gia hoặc tiếp tục tham gia BHXH, BHXH tự nguyện, BHYT…

Tính đến ngày 31/5/2020, ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,404 triệu người, đạt 89,8% kế hoạch giao (giảm 11,5 nghìn người so với tháng 04/2020, giảm 796 nghìn người so với năm 2019). BHXH tự nguyện là 600,6 nghìn người, đạt 50% kế hoạch giao. BHYT là 85,078 triệu người, đạt 96,6% kế hoạch giao (giảm 109 nghìn người so với tháng 04/2020, giảm 849 nghìn người so với năm 2019).

Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng theo ông Đào Việt Ánh, BHXH tự nguyện tăng 42 nghìn người so với tháng 04/2020 và vượt xa con số cuối 2019, tăng 26 nghìn người so với năm 2019. 51 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu thu trong 5 tháng đầu năm. Ngành phối hợp tốt với Bộ Y tế tổ chức khám chữa bệnh (KCB) BHYT trong điều kiện dịch bệnh...

Sở dĩ đạt được kết quả này, toàn Ngành đã thực hiện nhiều biện pháp có hiệu quả, thay thế cho các giải pháp trước đây không thể thực hiện được do giãn cách xã hội ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng (tiếp xúc trực tiếp tại nhà, vận động theo nhóm, tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động...).

Cụ thể, tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 6/2020, ông Đinh Duy Hùng – Phó Trưởng Ban Thu của BHXH Việt Nam cho biết, BHXH Việt Nam đã thực hiện đổi mới công tác truyền thông khi lần đầu tiên phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức thành công “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện” trên quy mô toàn quốc. Theo đó, chỉ sau 02 ngày (23&24/5/2020) ra quân truyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, trên toàn quốc đã có 30.017 người tham gia BHXH tự nguyện và phát triển thêm được 4.734 người tham gia BHYT hộ gia đình. Ngoài việc thành công trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, Lễ ra quân có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự kiện truyền thông tạo được sự lan tỏa về chính sách BHXH trong nhân dân, đối với năm đầu tiên thực hiện Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Những giải pháp khác cũng được triển khai thành công như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, thông qua truyền thông, mạng xã hội, tin nhắn...

Triển khai nhiều biện pháp để đạt chỉ tiêu kế hoạch của năm 2020

Theo kế hoạch năm 2020, số lượng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đạt chỉ tiêu được giao là 1 triệu người. “Đây là một thách thức lớn và là một nhiệm vụ khá nặng nề. Tuy nhiên, toàn Ngành nỗ lực, cố gắng phấn đấu cao nhất và tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu nêu trên”, ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát và bước vào giai đoạn bình thường mới, theo ông Đào Việt Ánh, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực để đạt được mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện đã đặt ra cho năm 2020; đồng thời, tiếp tục ưu tiên cho việc bố trí kinh phí để đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Trước mắt, ngay trong tháng 6/2020, trong tháng 6/2020, BHXH Việt Nam sẽ tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm.

Một là tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Chính phủ.

Hai là phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Đặc biệt là triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, bám sát chỉ đạo của Chính phủ để xây dựng và triển khai các phương án điều hành các kế hoạch, dự toán, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 trong bối cảnh ảnh hưởng, tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

Ba là tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyềnphổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Bốn là đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành tại một số đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN; chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại các cơ sở KCB đảm bảo thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2020; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.

Năm là tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; rà soát xử lý dữ liệu thẻ BHYT cấp trùng; hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ.

Chuyên đề