Nhiều kế sách làm nên “quả ngọt”

(BĐT) - Năm 2023 khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận về con số giải ngân đầu tư công và tăng trưởng kinh tế. Đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung đó là những nỗ lực thầm lặng của các địa phương với những cách làm riêng, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả. Trong số báo Chào năm mới 2024, Báo Đấu thầu trân trọng gửi tới quý độc giả một số cách làm hay từ địa phương và thành quả trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công của nhiều địa phương đạt kết quả đáng ghi nhận. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công của nhiều địa phương đạt kết quả đáng ghi nhận. Ảnh: Lê Tiên

Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm

Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ cuối năm 2022, Bắc Kạn đã chủ động giao kế hoạch vốn năm 2023 cho các đơn vị, địa phương, trong đó đã giao 100% kế hoạch vốn cấp huyện điều hành để các địa phương chủ động tổ chức thực hiện.

UBND Tỉnh đã duy trì hoạt động hiệu quả các ban chỉ đạo, tổ công tác về giải ngân đầu tư công và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề xây dựng cơ bản; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục; chỉ đạo các chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án; thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân chung...

Với những nỗ lực đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bắc Kạn tính đến giữa tháng 12/2023 đạt trên 55% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ đạt 40% kế hoạch). Từ chỗ là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước, đến tháng 11/2023, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Bắc Kạn đứng thứ 48/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 8/14 tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc. Dự kiến đến ngày 31/1/2024, toàn Tỉnh giải ngân đạt 89% kế hoạch (nếu thực hiện điều chỉnh giảm, chuyển trả ngân sách trung ương 380 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân của Bắc Kạn sẽ đạt khoảng 100% kế hoạch).

Kết quả giải ngân đầu tư công đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Bắc Kạn. GRDP năm 2023 ước đạt 8.840 tỷ đồng, tăng trưởng 6,33%, cao nhất trong 3 năm gần đây (xếp thứ 6 trong vùng và thứ 33 cả nước). GRDP bình quân đầu người của Bắc Kạn lần đầu tiên đạt hơn 50 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra.

Kỷ luật “thép” để thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Năm 2023, kết quả giải ngân đầu tư công của tỉnh Lào Cai có những điểm tích cực và nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.

Kế hoạch vốn Trung ương giao cho tỉnh Lào Cai năm 2023 là 5.341 tỷ đồng. Lào Cai đã phân bổ vốn cho các đơn vị triển khai thực hiện với tổng vốn là 5.250 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch, còn lại 91 tỷ đồng chưa phân bổ thuộc nguồn vốn ODA (do khó khăn trong đàm phán và chưa ký được hiệp định vay).

Để đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn, UBND tỉnh Lào Cai thường xuyên có văn bản đôn đốc các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu người đứng đầu của các đơn vị trực thuộc quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có văn bản nhắc nhở các địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp... Mục tiêu là năm 2023 phải hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn kéo dài và trên 95% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các ban chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND Tỉnh về kết quả giải ngân. UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu kết thúc năm 2023, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ giải ngân đầu tư công.

Năm thành công trên nhiều lĩnh vực của Khánh Hòa

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Năm 2023 là năm thành công của Khánh Hòa khi kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng ấn tượng. Có 20/22 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt, GRDP của Tỉnh ước tăng 10,35%, đứng thứ 4 cả nước; hoàn thành lập Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; cán đích các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật quan trọng như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, các tuyến đường bộ cao tốc, Tỉnh lộ 3, Tỉnh lộ 2, Nhà máy Thuốc lá Khatoco Khánh Hòa, Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa…, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.

Để có được những kết quả tích cực trên, ngay từ đầu năm, Tỉnh đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Đặc biệt, tích cực hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn liên quan đến sản xuất, kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật; tập trung đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, liên kết vùng nhằm tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Năm 2024, Khánh Hòa đặt mục tiêu giữ vững đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế, phấn đấu GRDP tăng 8,1%, GRDP bình quân đầu người đạt 96,25 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.870 triệu USD; thu ngân sách nhà nước đạt 16.687 tỷ đồng.

Mấu chốt là thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế

Đến hết tháng 11/2023, Thừa Thiên Huế đã giải ngân 5.311 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 92% kế hoạch, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm giải ngân cao của cả nước. Dự kiến kết quả giải ngân cả năm của Tỉnh đạt 96% kế hoạch. Ngoài ra, năm 2023, Thừa Thiên Huế đã giao bổ sung kế hoạch đầu tư công từ các nguồn vượt thu ngân sách Tỉnh với tổng số vốn là 1.717 tỷ đồng, phấn đấu giải ngân hết nguồn vốn này trong tháng 12/2023.

Để có kết quả trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế phải làm tốt việc chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án; tập trung giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý; rà soát, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Song song đó, Tỉnh thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân cao; kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng theo tháng, bảo đảm phù hợp với thực tế... Điều này đã góp phần mang lại nhiều kết quả tích cực.

Sau gần 3 năm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Tỉnh, phần lớn các dự án trọng điểm thuộc kế hoạch đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi sớm thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Nhiều chỉ số kinh tế có sự đột phá

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Năm 2023, Bình Định có nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng đột phá, nhất là chỉ số quy mô nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số ngành nông nghiệp của Tỉnh đang ở top đầu cả nước.

Trong năm qua, Tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại, xúc tiến, thu hút đầu tư, từ đó tạo sức lan tỏa, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến Bình Định. Ước tính Bình Định đạt 18/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế được HĐND Tỉnh giao năm 2023. Trong đó, GRDP tăng 7,61%, vượt kế hoạch (7 - 7,5%), xếp thứ 17/63 địa phương trong cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và thứ 1/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô nền kinh tế đạt 117.668,8 tỷ đồng, xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Năm 2024, Bình Định định hướng tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8%. Để đạt được mức tăng trưởng này, các cấp, ngành, địa phương cần hỗ trợ sớm đưa vào hoạt động các dự án đã thu hút đầu tư trong năm 2023, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi, phấn đấu thu hút khoảng 100 dự án đầu tư trong năm 2024. Tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế.

Bước đột phá khi tạo ra nguồn cải cách tiền lương

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Trong năm 2023, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt 24 trong số 25 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt so với mục tiêu đề ra. GRDP tăng trưởng 3,03%, vượt kế hoạch; quy mô nền kinh tế tính theo giá hiện hành năm 2023 đạt 122,88 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 98,53 triệu đồng, đứng thứ 2/14 tỉnh, thành khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (sau Đà Nẵng).

Theo dự báo của Bộ Tài chính, năm 2023 có hơn 40 tỉnh, thành phố hụt thu ngân sách, nhưng Quảng Ngãi là một trong những tỉnh tăng thu ngân sách rất cao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 29.200 tỷ đồng, tăng 24,7% so với dự toán Trung ương giao và tăng 21,8% so với dự toán HĐND Tỉnh giao. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Tỉnh vượt thu ngân sách rất cao. Khi bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Ngãi không còn nguồn lực để thực hiện quỹ cải cách tiền lương theo quy định, nhưng đến cuối năm 2023, Tỉnh đã tạo nguồn cải cách tiền lương khoảng 13.800 tỷ đồng.

Kế thừa những thành công trong giai đoạn 2021 - 2023, năm 2024, Quảng Ngãi chọn tăng trưởng GRDP từ 2,5 - 3%, phấn đấu vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 38.000 - 39.000 tỷ đồng...

Đồng Nai sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, tạo bước phát triển dài hạn, vững chắc

Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Năm 2023, Đồng Nai chịu ảnh hưởng bất lợi từ bối cảnh thế giới và khu vực, tuy nhiên, bằng sự nỗ lực liên tục, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,21%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,92%; kim ngạch xuất khẩu đạt 21,714 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 15,698 tỷ USD, duy trì xuất siêu. Thu hút đầu tư trong nước tăng gấp 2 lần về số dự án và gấp 6 lần về vốn đăng ký cấp mới; thu hút 65 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 317,8 triệu USD.

Năm 2024, Đồng Nai sẽ đẩy nhanh thực hiện chương trình, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ đột phá, các dự án, công trình trọng điểm; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, tạo bước phát triển mạnh mẽ trong đầu tư các công trình trọng điểm, các dự án có tác động lan tỏa, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hiện nay, hồ sơ Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được lấy ý kiến. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai là động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ trung chuyển của miền Nam lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân… Tầm nhìn đến 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế.

Triển vọng kinh tế Sóc Trăng sẽ tươi sáng hơn

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Năm 2023, dấu ấn của Sóc Trăng là hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hoàn tất lập Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với nỗ lực cao, Sóc Trăng đạt kết quả tăng trưởng kinh tế khả quan, GRDP ước đạt 72.093 tỷ đồng, tăng 5,77%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, sản lượng lúa, thủy sản vượt kế hoạch, tỷ lệ lúa đặc sản cao hơn năm ngoái. Thu ngân sách vượt so dự toán.

Năm qua, Sóc Trăng đã cấp chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.153,378 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động được cải thiện. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 6.786 tỷ đồng, giải ngân ước đạt trên 95% kế hoạch.

Dù vậy, kinh tế Sóc Trăng vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2024, Sóc Trăng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Mục tiêu quan trọng nhất là GRDP tăng trưởng từ 7% - 7,5%. Theo đó, các nhiệm vụ ưu tiên là triển khai thực hiện Quy hoạch Tỉnh; quan tâm công tác chuyển đổi số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực quan trọng; nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Sắp tới, Sóc Trăng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch Tỉnh sẽ giúp phát huy thế mạnh, tạo đột phá trong phát triển. Do vậy, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các cơ chế, chính sách để tối đa hóa tiềm năng, tạo động lực mới. Việc đầu tư mạnh mẽ hệ thống hạ tầng trọng điểm như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi, cảng biển Trần Đề… mang tới triển vọng tươi sáng cho phát triển kinh tế Tỉnh trong thời gian tới.

Chuyên đề