Gần đây, nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa trong lĩnh vực y tế liên tục được thông báo hủy thầu, gia hạn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hủy thầu trong thời gian gần đây đối với gói thầu mua sắm hàng hóa trong lĩnh vực y tế là hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu. Có thể kể đến Gói thầu Mua vị thuốc cổ truyền tập trung cho các cơ sở y tế công lập tỉnh Yên Bái năm 2022 (giá dự toán 10,292 tỷ đồng); Gói thầu số 04 Hóa chất sát khuẩn, sinh phẩm và hóa chất xét nghiệm (gồm 54 khoản với giá dự toán là 3,019 tỷ đồng) của Bệnh viện Phụ sản tỉnh Nam Định; Gói thầu số 02 Hóa chất huyết học thuộc Dự toán Mua sắm hóa chất năm 2022 của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (5,504 tỷ đồng); Gói thầu Mua hóa chất xét nghiệm năm 2022 của Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc (3,853 tỷ đồng)…
Mới đây, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh quyết định hủy thầu đối với 4 trong số 9 gói thầu thuộc Dự toán Mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm tập trung năm 2022 của Sở Y tế (tổng dự toán là 138,8 tỷ đồng). Trong đó, Gói thầu số 1 Sinh phẩm chẩn đoán có giá dự toán 3,436 tỷ đồng; Gói thầu số 2 Thuỷ tinh thể nhân tạo là 9,378 tỷ đồng; Gói thầu số 3 Chỉ khâu là 7,209 tỷ đồng; Gói thầu số 4 Hoá chất xét nghiệm đông máu là 6,42 tỷ đồng. Cả 4 gói thầu đều có chung một lý do hủy thầu là hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu.
Thông tin với Báo Đấu thầu, cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, mặt hàng tham dự thầu phải được kê khai giá. Tuy nhiên, một số nhà thầu không kịp thời kê khai giá. Một số nhà thầu lúng túng trong việc kê khai giá vì không biết xác định những mặt hàng như máy lọc nước là trang thiết bị y tế phải kê khai giá hay là đồ gia dụng…
Một nguyên nhân nữa dẫn đến hủy thầu, theo Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, là do nhà thầu chào thầu sai mặt hàng, mặc dù hồ sơ mời thầu đã đưa ra những thông số kỹ thuật với tiêu chí tương đương. Điều này khiến cho Bên mời thầu phải hủy thầu, tổ chức đấu thầu lại, mất thêm nhiều thời gian. Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng, Bệnh viện sẽ phải mua sắm trực tiếp để bổ sung.
Về phía nhà thầu, trao đổi với phóng viên, một số ý kiến cho rằng, họ không biết nên báo giá như thế nào khi dự thầu, vì thời điểm chủ sở hữu trang thiết bị y tế kê khai giá là khá xa so với thời điểm dự thầu, trong khi giá thị trường biến động liên tục.
Có thể lấy ví dụ như trường hợp Gói thầu Hóa chất vật tư sử dụng cho máy xét nghiệm sinh hóa tự động của Bệnh viện Truyền máu huyết học (giá dự toán 5,329 tỷ đồng). Gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng, có một nhà thầu tham dự, nhưng lại chào vượt giá hơn 1 tỷ đồng. Mặc dù đã tiến hành thương thảo hợp đồng, nhưng nhà thầu không thể giảm giá. Do vậy, Bên mời thầu buộc phải tổ chức đấu thầu lại, trong đó sẽ tiến hành rà soát giá kế hoạch cho phù hợp với thực tế. Trong quá trình chờ đợi tổ chức đấu thầu lại, Bệnh viện sẽ sử dụng những vật tư y tế dự phòng thay thế.
Trong 2 tháng gần đây, ghi nhận nhiều trường hợp hủy thầu do không có nhà thầu tham dự. Đó là Gói thầu số 01 Vật tư y tế năm 2022 của Bệnh viện Y học cổ truyền Đăk Lăk; Gói thầu Mua hóa chất xét nghiệm phục vụ công tác chuyên môn tại Bệnh viện Nhi tỉnh Hải Dương; Gói thầu Cung cấp vị thuốc cổ truyền năm 2022 cho Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà; Gói thầu số 1 Mua sắm hóa chất vi sinh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình (trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu của Bệnh viện năm 2022)…
Trong tình trạng “ế ẩm” như vậy, một số bên mời thầu đã lựa chọn gia hạn thời điểm đóng/mở thầu nhằm thu hút nhà thầu tham dự, thay vì hủy thầu. Chẳng hạn như: Gói thầu Mua hóa chất xét nghiệm huyết học của Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn (1,656 tỷ đồng) gia hạn từ ngày 9/5/2022 đến ngày 20/5/2022; Gói thầu Vị thuốc cổ truyền của Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM (1,399 tỷ đồng) gia hạn từ ngày 11/5/2022 đến ngày 31/5/2022…