Nhiều gói thầu kiểm toán “đánh đố” nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát tại nhiều gói thầu kiểm toán đang được lựa chọn nhà thầu trên phạm vi cả nước cho thấy, bên cạnh các yêu cầu về nhân sự chủ chốt phù hợp với quy định pháp luật kiểm toán, vẫn xuất hiện tình trạng hồ sơ mời thầu (HSMT) thêm vào hàng loạt bằng cấp, chứng chỉ đa lĩnh vực, không thuộc phạm vi công việc mời thầu, giới hạn sự tham dự của không ít nhà thầu.
Vẫn có tình trạng hồ sơ mời thầu gói thầu kiểm toán thêm vào hàng loạt yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ không cần thiết, không phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Vẫn có tình trạng hồ sơ mời thầu gói thầu kiểm toán thêm vào hàng loạt yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ không cần thiết, không phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Mới đây, tại Gói thầu Tư vấn kiểm toán có dự toán trên 800 triệu đồng thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 61B đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (tổng mức đầu tư 318 tỷ đồng) do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang mời thầu, nhà thầu phản ánh HSMT yêu cầu quá cao đối với các tiêu chí đánh giá về nhân sự cũng như năng lực, kinh nghiệm. Theo đó, Trưởng đoàn kiểm toán phải có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán tại đơn vị dự thầu. Đồng thời, có các loại chứng chỉ hành nghề chuyên ngành như: chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; chứng chỉ đào tạo đấu thấu thầu cơ bản đối với lựa chọn nhà thầu; thẻ thẩm định viên về giá. Nhân sự phải có trình độ thạc sĩ kinh tế trở lên; tối thiểu phải có từ 17 năm kinh nghiệm trở lên.

Tổ trưởng tổ kiểm toán về kỹ thuật phải có thẻ thẩm định viên về giá; chứng chỉ định giá tối thiểu hạng III trở lên; chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu; tối thiểu 15 năm kinh nghiệm...

Cá biệt, với vị trí Tổ trưởng kiểm toán về tài chính, pháp lý, HSMT yêu cầu phải có trình độ đại học chuyên ngành kinh tế, chuyên ngành luật và chuyên ngành xây dựng hoặc kiến trúc; mỗi chuyên ngành có thời gian tốt nghiệp tối thiểu trên 15 năm (tính từ thời điểm cấp bằng tốt nghiệp đến thời điểm đóng thầu), đồng nghĩa với việc nhân sự này cùng lúc tốt nghiệp 3 trường đại học. Chưa kể đến hàng loạt yêu cầu khác như chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; chứng chỉ định giá tối thiểu hạng III trở lên; chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.

Bên cạnh đó, HSMT còn quy định doanh nghiệp kiểm toán tham dự thầu phải có tối thiểu 20 năm kinh nghiệm, trường hợp nhỏ hơn 20 năm đạt 0 điểm tại nội dung đánh giá này.

Theo các nhà thầu, pháp luật về kiểm toán quy định, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán. Như vậy, việc HSMT yêu cầu các vị trí nhân sự vừa phải đăng ký hành nghề kiểm toán tại doanh nghiệp dự thầu, vừa phải có chứng chỉ hành nghề trong các lĩnh vực khác là không phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành, chưa kể đến việc một số loại chứng chỉ chuyên ngành không thực sự cần thiết cho công tác kiểm toán dự án đang mời thầu.

Kết quả vừa được công bố cho thấy, Gói thầu thu hút duy nhất Công ty TNHH Tư vấn đầu tư, tài chính, kế toán, thuế - kiểm toán COM.PT tham dự và trúng thầu.

Cùng thời điểm, Gói thầu Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành thuộc Dự án Nâng cao độ ổn định hệ thống lưu trữ dữ liệu hệ thống công nghệ thông tin - Công ty Truyền tải điện 1 cũng bị nhà thầu đề nghị điều chỉnh HSMT theo hướng giảm bớt các yêu cầu: chứng chỉ kỹ sư định giá hạng II; chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu đối với vị trí Trưởng đoàn kiểm toán. Với vị trí Kiểm toán viên về kỹ thuật, nhà thầu đề nghị lược yêu cầu về bằng đại học chuyên ngành công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông; yêu cầu về chứng chỉ kỹ sư định giá hạng II trở lên...

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán cho biết, pháp luật về kiểm toán không có quy định kiểm toán viên hành nghề phải có các bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, luật hoặc các lĩnh vực khác. Do đó, việc HSMT xây dựng tiêu chuẩn “kép” tại các vị trí nhân sự là không phù hợp với thực tiễn, không phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT đã nêu rõ một số quy định của HSMT vi phạm Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP tại Phụ lục 9. Theo đó, việc HSMT yêu cầu các dạng giấy phép hành nghề, chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không quy định được coi là hành vi hạn chế nhà thầu.

Chuyên đề