Nhiều dự án chống sạt lở tại TP.HCM: Nhà thầu đòi cắt hợp đồng

(BĐT) - Nhiều dự án chống sạt lở của TP.HCM đang “vỡ trận” do chậm được bàn giao mặt bằng. Điều này đã khiến cho cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều đuối sức và không biết phải tiếp tục chờ đợi đến bao giờ. Trong đó, một số dự án vẫn chưa được bố trí vốn cho giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Một dự án gia hạn 3 lần

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Khu Quản lý đường thủy nội địa TP.HCM cho biết, một loạt dự án chống sạt lở do đơn vị này quản lý đang bị chậm tiến độ nghiêm trọng do công tác GPMB gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Hà, Phó Giám đốc Khu cho biết, Dự án Chống sạt lở kênh Thanh Đa - đoạn 1.4 từ hạ lưu cầu Kinh đến bờ kè công đoàn (P.27, Q. Bình Thạnh) được triển khai thực hiện từ năm 2010 là một điển hình. Dự án vướng GPMB nặng nề, đến nay trên tuyến còn 28 hộ dân chưa đồng ý giao đất (do các hộ dân này chưa đồng thuận về đơn giá bồi thường). Do vướng GPMB nên hiện nay Khu Quản lý đường thủy nội địa chưa thể tổ chức thi công trên toàn tuyến công trình. Cùng với vướng GPMB và một số khó khăn phát sinh nên chủ đầu tư gia hạn lần 1 đến cuối năm 2013, lần 2 đến tháng 7-2014 và lần 3 đến tháng 12-2014.

Trong khi đó, đơn vị chủ đầu tư cảnh báo, kênh Thanh Đa là khu vực có nguy cơ sạt lở cao, mùa mưa bão năm 2016 đã tới, Khu Quản lý đường thủy nội địa kiến nghị Sở Giao thông vận tải có văn bản gửi quận Bình Thạnh (TP.HCM) đề nghị Quận cảnh báo và di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao này, đồng thời đề nghị Quận đẩy nhanh công tác GPMB để bàn giao mặt bằng cho Khu tổ chức thi công.

Dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 (sông Sài Gòn - khu vực khách sạn Sài Gòn Domaine) được triển khai từ năm 2012. Tuy vậy, đến thời điểm này vẫn chưa được bố trí vốn cho GPMB, chưa trình phê duyệt đơn giá bồi thường của Dự án. Chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB và bàn giao mặt bằng cho Khu để tổ chức thi công công trình. Hiện nay Khu Quản lý đường thủy nội địa đã tổ chức thi công gói thầu dưới nước (thảm đá) đạt 95% khối lượng. Tuy nhiên, Khu Quản lý đường thủy nội cho biết, chưa thể tổ chức thi công (đào đất và thả thảm đá gần bờ) trên toàn tuyến vì vướng GPMB (khoảng 280m nằm rải rác trên tuyến công trình – 20 hộ).

Còn Dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 4 (sông Sài Gòn - khu vực biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La san Mai Thôn) cũng được  triển khai từ năm 2012. Ngày 12/5/2008, UBND Thành phố có Văn bản số 2925/UBND-ĐTMT chấp thuận tách công tác GPMB thành một dự án riêng và giao Ban Bồi thường GPMB quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư nhằm thống kê, rà soát, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng trước để tổ chức thi công hoàn thành gói thầu dưới nước (thảm đá). Dự kiến hoàn thành công tác đền bù và bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý IV/2016. Trong khi đó, trong năm 2016, quận Bình Thạnh chưa được bố trí vốn cho Dự án GPMB, UBND quận Bình Thạnh chưa trình phê duyệt đơn giá bồi thường của Dự án. Hiện nay, Khu Quản lý đường thủy nội địa đã tổ chức thi công Gói thầu dưới nước (thảm đá) đạt 93% khối lượng và chưa thể tổ chức thi công (đào đất và thả thảm đá gần bờ) trên toàn tuyến vì vướng GPMB (khoảng 700m nằm rải rác trên tuyến công trình – 31 hộ).

Nhà thầu bị thiệt thòi

Ông Nguyễn Hoàng Hà cho biết, do các gói thầu chậm triển khai đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ triển khai các dự án chống sạt lở. “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai các dự án này. Có dự án triển khai đã 10 năm mà tiến độ không đáng kể do không có mặt bằng để thi công. Bên cạnh đó, các nhà thầu do mệt mỏi vì chờ đợi mặt bằng thi công liên tục đòi cắt hợp đồng. Điều băn khoăn nhất của chúng tôi là nỗ lực đầu tư chống sạt lở, ổn định cuộc sống của người dân Thành phố đã lỗi hẹn ” - ông Hà chia sẻ thêm.

Đại diện Phòng Kế hoạch của Khu Quản lý đường thủy nội địa TP.HCM cho biết: “Ở dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa - đoạn 1.4, nhà thầu đã dừng thi công công trình gần ba năm nay và đề nghị kết thúc công trình. Chúng tôi đã làm mọi cách để động viên nhà thầu, cố níu kéo nhà thầu tiếp tục công trình vì lo ngại tổ chức đấu thầu lại mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi công trình này triển khai lại chắc chắn phải điều chỉnh vốn xây lắp cho nhà thầu vì giá vật tư, nhân công đã tăng do thời gian dừng thi công quá dài. Trong khi đó, 10 năm qua, hệ thống pháp luật về đất đai, đấu thầu, xây dựng… đã có quá nhiều thay đổi”. 

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Liên danh nhà thầu Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty CP Xây lắp Thủy sản 2 đều cho rằng đã bị ảnh hưởng nhiều bởi việc thi công gián đoạn của gói thầu chống sạt lở. “Đơn vị thi công bị thiệt hại vì tốn chi phí thuê thiết bị máy móc, duy tu công trình. Chúng tôi còn bị thiệt hại nhiều ở hạng mục do cấu kiện bán thành phẩm đã thực hiện đồng bộ, nhưng nay do mặt bằng “xôi đỗ” không thể lắp đặt. Dù Khu Quản lý đường thủy nội địa TP.HCM đã có nhiều động thái hỗ trợ thiệt hại cho nhà thầu, nhưng nếu việc bàn giao mặt bằng tiếp tục chậm trễ, thiệt hại của các nhà thầu sẽ ngày càng nặng nề hơn” - đại diện Liên danh này chia sẻ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư