Nhiều doanh nghiệp đối mặt với rủi ro tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc tỷ giá VND/USD tăng mạnh đang tạo áp lực không nhỏ lên bài toán lợi nhuận của các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu chủ yếu từ nước ngoài hoặc có vay nợ lớn bằng ngoại tệ, nếu không có biện pháp chủ động phòng ngừa, quản trị rủi ro biến động tỷ giá.
Diễn biến các tỷ giá điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Nguồn: Bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 11 - 15/3/2024, SSI Research
Diễn biến các tỷ giá điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Nguồn: Bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 11 - 15/3/2024, SSI Research

Ngân hàng Nhà nước can thiệp, tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt

Đến sáng 20/3/2024, tỷ giá trung tâm của VND với USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.992 VND/USD, giảm 2 đồng so với phiên giao dịch liền trước. Tuy vậy, tỷ giá mua bán đồng USD tại nhiều ngân hàng và trên thị trường tự do vẫn tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức giá mua vào và bán ra lần lượt là 24.580 VND/USD và 24.920 VND/USD, tăng 30 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng ở chiều bán ra so với ngày trước đó.

Như vậy, từ đầu tháng 2/2024 tới nay, tỷ giá VND/USD tại Vietcombank đã tăng khoảng 1,7% ở cả chiều mua vào và bán ra, so với đầu năm 2024 tăng hơn 2%, tương đương 2/3 mức tăng trong cả năm 2023 (tăng 2,9%). Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng ghi nhận đà tăng mạnh, có lúc vượt 26.000 VND/USD, thiết lập vùng đỉnh lịch sử mới.

Trước đà tăng của tỷ giá, từ ngày 11/3/2024, NHNN liên tiếp có động thái hút tiền trên thị trường mở qua phát hành tín phiếu sau hơn 4 tháng tạm ngưng. Chỉ sau 7 phiên phát hành tín phiếu liên tiếp, NHNN đã hút gần 100.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Theo Trung tâm phân tích - Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Reseach), động thái phát hành tín phiếu của NHNN là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.

Trong khi xu hướng biến động tỷ giá VND/USD chưa đảo chiều thì trên thị trường thế giới, sau chuỗi đi xuống, chỉ số Dollar Index (DXY) - chỉ số đo lường giá trị đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) vừa tăng trở lại, đến ngày 20/3/2024 ở mức 103,6 điểm, sát mức cao nhất 2 tuần trở lại đây. Sự tăng giá trở lại của USD dẫn đến e ngại có thể làm gia tăng áp lực cho tỷ giá.

“NHNN có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại”, SSI Reseach đánh giá.

Doanh nghiệp buồn, vui trước đà tăng của tỷ giá

Với bối cảnh tăng mạnh của tỷ giá ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp vay nợ lớn bằng ngoại tệ nhưng nguồn doanh thu chủ yếu từ nội tệ được đánh giá là nhóm đối tượng chịu áp lực bất lợi trực tiếp.

Trong một chia sẻ mới đây, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Đặng Ngọc Hòa cho biết, khi tỷ giá tăng 1%, hãng sẽ mất tới 300 tỷ đồng, nếu biến động 5% thì chi phí tăng thêm là 1.500 tỷ đồng/năm.

Là doanh nghiệp vận tải hàng không với tài sản cố định lớn là máy bay phải mua, thuê của nước ngoài, vay ngoại tệ (chủ yếu là USD) từ lâu là nguồn tài trợ lớn cho cấu trúc vốn của Vietnam Airlines, khiến kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động tỷ giá. Báo cáo tài chính tự lập của Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2023, lỗ ròng do chênh lệch tỷ giá là 902,8 tỷ đồng. Trong năm 2022, lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá lên tới 1.502 tỷ đồng, góp phần đáng kể dẫn đến kết quả thua lỗ của Tổng công ty.

Trong ngành thép, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng lớn khi tỷ giá tăng. Nguyên nhân là Tập đoàn có lượng dư nợ vay USD lớn để phục vụ nhập khẩu nguyên liệu và đầu tư các nhà máy. Trong năm 2023, lỗ từ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và chưa thực hiện của Tập đoàn Hòa Phát là 1.396 tỷ đồng, lỗ ròng về chêch lệch tỷ giá là 139 tỷ đồng. Số lỗ này đã giảm đáng kể so với năm 2022 (lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá lên tới 1.859 tỷ đồng) sau khi Tập đoàn điều chỉnh cơ cấu vốn theo hướng tăng cường sử dụng các khoản nợ vay bằng VND và giảm nợ vay bằng USD để tận dụng giai đoạn mặt bằng lãi suất trong nước thấp và giảm áp lực tỷ giá.

Trong ngành dầu khí, Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) cũng chịu áp lực lớn trong xu hướng tăng của tỷ giá VND so với USD. Trong năm 2023, lỗ chênh lệch tỷ giá của PV Drilling là 140,4 tỷ đồng và lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá là 74,3 tỷ đồng, tương ứng 10% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa bao gồm hoạt động tài chính) của Tổng công ty. Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ vay của PV Drilling là 3.341 tỷ đồng, gần như toàn bộ là các khoản vay bằng USD, lãi suất tính theo LIBOR 3 hoặc 6 tháng cộng biên độ. Cơ cấu dư nợ này khiến bên cạnh áp lực khi tỷ giá tăng, PV Drilling còn chịu áp lực chi phí lãi vay do mặt bằng lãi suất LIBOR hiện vẫn ở mức cao. Khác với Hòa Phát, PV Drilling khó điều chỉnh cơ cấu khoản vay do chủ yếu là các khoản vay dài hạn tài trợ vốn đầu tư giàn khoan.

Trong ngành điện, Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3) là đơn vị chịu áp lực lớn khi tỷ giá tăng do còn dư nợ lớn bằng đồng USD là các khoản vay tài trợ vốn cho các nhà máy điện. Trong năm 2023, lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá của EVN Genco 3 là 821 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2023, số dư các khoản vay bằng đồng USD có giá trị quy đổi sang VND của EVN Genco 3 là 33.436 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay lại từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để tài trợ vốn cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Ngược lại, với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ như các nhóm ngành dệt may, thủy sản, giày dép, nông sản, cao su, gỗ…, xu hướng tăng của tỷ giá được đánh giá phần nào giúp các doanh nghiệp hưởng lợi, làm tăng quy mô doanh thu và biên lợi nhuận.

Tuy vậy, với thực tế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài về gia công, chẳng hạn như nhóm ngành dệt may, yếu tố hưởng lợi từ xu hướng tăng của tỷ giá cũng bị triệt tiêu đáng kể.

Chuyên đề