Doanh nghiệp trước bài toán quản lý rủi ro tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỷ giá USD/VND đã có biến động khá mạnh trong những tháng đầu năm. Nguyên nhân chính của xu hướng này là do lãi suất đồng USD ở mức cao và dự kiến còn kéo dài, nhu cầu ngoại tệ tăng do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng đáng kể. Dù vậy, có ý kiến cho rằng, đà tăng này chỉ là nhất thời và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đủ năng lực can thiệp thị trường để tránh tác động bất lợi với nền kinh tế và doanh nghiệp.
Diễn biến tỷ giá USD/VND (nguồn: Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3, MBS)
Diễn biến tỷ giá USD/VND (nguồn: Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3, MBS)

Tỷ giá đang nóng lên

Ngày 11/3, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm USD/VND ở mức 23.996 VND, giảm nhẹ so với ngày trước đó, song vẫn giữ đà tăng 0,54% so với đầu năm nay. Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết tỷ giá USD/VND mua - bán ở mức 24.470 - 24.810 đồng, tương ứng mức tăng khoảng 1,6% so với đầu năm nay. Trên thị trường tự do, giá USD mua - bán phổ biến ở mức mức 25.570 - 25.650 VND/USD, tương ứng mức tăng khoảng 3% tính từ đầu năm đến nay.

Tại Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, diễn biến tỷ giá đang “nóng” lên, song rủi ro tỷ giá chỉ mang tính giai đoạn nhất thời. Theo đó, tỷ giá USD/VND duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 11/2023. Tỷ giá trong nước đang chịu nhiều sức ép khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thể hiện thông điệp không hạ lãi suất sớm khiến cho lãi suất USD ở mức cao kéo dài. Xuất nhập khẩu cải thiện khiến nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu tư liệu sản xuất bật tăng, góp phần tạo áp lực lên giá USD trong nước.

Ngoài ra, trong vài năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50 - 60 tấn vàng nguyên liệu/năm, gấp hơn 20 lần tổng lượng vàng khai thác trong nước. Việc nhập khẩu vàng để phục vụ nhu cầu trong nước và việc găm giữ USD khi đồng tiền này liên tục biến động tại thị trường trong nước lẫn thế giới đã tác động đến cung cầu trên thị trường và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3 vừa công bố, Ngân hàng UOB nhận xét, tỷ giá USD/VND tăng cùng sự mạnh lên đáng kể của USD so với các đồng tiền châu Á. Bất chấp sự suy yếu trong ngắn hạn của đồng VND, kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn ở Việt Nam (dự báo năm 2024 là 6,0%) và đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và ngoại thương là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định giá trị đồng VND. UOB dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 24.400 trong quý II/2024, 24.200 trong quý III/2024, 24.000 trong quý IV/2024 và 23.800 trong quý I/2025.

Tương tự, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, USD/VND tăng xuất phát từ một số yếu tố. Đó là, dữ liệu thương mại 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy, mặc dù thặng dư thương mại tổng thể mở rộng (4 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước), nhưng thâm hụt thương mại của khu vực trong nước có chiều hướng tăng mạnh. Cụ thể, khối trong nước nhập khẩu 19,6 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm nay, ghi nhận thâm hụt thương mại 3,9 tỷ USD. Nhu cầu nhập khẩu của khối trong nước tăng cũng dẫn đến áp lực mất giá đối với tiền đồng trên thị trường chính thức. Bên cạnh đó, việc lãi suất huy động tiền đồng đang giảm về mức thấp cũng là yếu tố làm tăng tính hấp dẫn đối với các kênh tài sản khác, trong đó có ngoại tệ và vàng.

“Hiện tại, chúng tôi không quá quan ngại về áp lực mất giá tiền đồng do tỷ giá USD/VND vẫn biến động trong biên độ cho phép. Tuy nhiên, NHNN cần tận dụng các công cụ như dự trữ ngoại hối hay đưa ra giải pháp mới quản lý thị trường vàng để hạn chế bớt đà mất giá của tiền đồng trong tháng 3/2024”, nhóm nghiên cứu của MBS nhận định.

Ứng phó với tỷ giá tăng

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, tỷ giá USD/VND tăng trong những tháng đầu năm phản ánh diễn biến thực tế thị trường tiền tệ, trong đó có yếu tố nhu cầu ngoại tệ tăng. Cụ thể, chênh lệch lãi suất rõ rệt giữa VND và USD, đặc biệt khi FED phát tín hiệu chưa giảm lãi suất khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn các đồng tiền khác, trong đó có VND; nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng trở lại với xu hướng kinh tế phục hồi…

“Điểm đáng chú ý là đà tăng mạnh của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do phản ánh nhu cầu tăng lên về ngoại tệ. Việc NHNN kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt, hướng tới mục tiêu ổn định thị trường và hỗ trợ tăng trưởng là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, thị trường chờ đợi thông điệp về các giải pháp bảo đảm cung ứng ngoại tệ cho nền kinh tế để góp phần ổn định thị trường ngoại hối”, ông Linh chia sẻ.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, với tiềm lực dự trữ ngoại hối và quan hệ cung cầu tiền tệ tích cực, NHNN có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá nên sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lực, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chú ý đến tỷ giá giữa VND và các đồng tiền khác trong thanh toán ngoại thương, để kịp thời điều chỉnh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Ðặc biệt, các doanh nghiệp nên chú trọng sử dụng công cụ quản lý rủi ro để tăng tính chủ động trước các rủi ro về tài chính tiền tệ, tỷ giá và lãi suất.

Chuyên đề