Nhiều DN quay lại quỹ đạo tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling) cho biết, giá cho thuê giàn khoan năm 2023 dự kiến sẽ cải thiện so với năm 2022. Đây là một nhân tố mới, giúp PV Drilling tin rằng, Tổng công ty đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất để tiếp tục chu kỳ tăng trưởng. Cùng với PV Drilling, PC1, Fecon, MBBank và nhiều doanh nghiệp khác cũng lên kế hoạch tăng trưởng cao năm 2023, từ nền tảng thị trường và những câu chuyện riêng biệt.
PV Drilling kỳ vọng hoạt động kinh doanh năm 2023 khởi sắc với chỉ tiêu doanh thu 5.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 140 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà
PV Drilling kỳ vọng hoạt động kinh doanh năm 2023 khởi sắc với chỉ tiêu doanh thu 5.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 140 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà

Cuối tháng 4 vừa qua, PV Drilling trình ĐHĐCĐ kế hoạch năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu 5.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 140 tỷ đồng. 99,999% cổ đông đã tán thành kế hoạch mới khác hoàn toàn thực trạng thua lỗ tới 155 tỷ đồng trong năm 2022 của PV Drilling. Lý do lỗ năm 2022 của PV Drilling là vì 3 yếu tố, thiếu việc làm, tỷ giá và lãi suất tăng cao.

Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Cường cho biết, yếu tố thuận lợi với PVDrilling năm 2023 là giá thuê giàn khoan bình quân dự kiến sẽ cải thiện, các giàn khoan của PV Drilling có nhiều việc hơn, hoạt động xuyên suốt năm, trong khi rủi ro tỷ giá năm 2023 nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm trước đó. Báo cáo mới đây của S&P Global ghi nhận, nhu cầu giàn khoan tự nâng của khu vực Trung Đông dự báo tăng 44 giàn, từ 125 giàn lên đến 169 giàn trong năm 2023 và tiếp tục tăng thêm 14 giàn trong năm 2024. Sự dịch chuyển giàn khoan tập trung về khu vực Trung Đông sẽ gây ra sự thiếu hụt về giàn khoan tại các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là tại Đông Nam Á. Đây chính là cơ hội để PV Drilling mở rộng hoạt động, cải thiện tình trạng thiếu hụt việc làm, bên cạnh các nỗ lực phát triển dịch vụ mới, như dịch vụ kiểm định điện gió (Ninh Thuận), dịch vụ đào tạo nhân sự tại một số thị trường quốc tế.

Cũng trong ngành dịch vụ công nghiệp, Công ty CP Fecon là cái tên dự báo trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau khi đi qua năm 2022 không đạt kế hoạch dự kiến. Chủ tịch Fecon Phạm Việt Khoa cho biết, lý do chính khiến Công ty không về đích năm 2022 là lãi suất tăng cao, kênh huy động vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn trong nửa cuối năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hầu hết các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến thị trường xây dựng và bất động sản. Giá trị hợp đồng ký mới năm 2022 đạt 3.500 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 3.046 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 52 tỷ đồng. “Đây là các con số dưới kỳ vọng rất nhiều so với kế hoạch, trong bối cảnh các khách hàng, chủ đầu tư đều gặp rất nhiều khó khăn, số dự án triển khai ít hoặc các dự án đã ký hợp đồng thì triển khai chậm do thiếu dòng tiền”, ông Khoa chia sẻ.

Công ty CP Fecon đón cơ hội tăng trưởng từ việc Chính phủ nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Ảnh: Lê Tiên

Công ty CP Fecon đón cơ hội tăng trưởng từ việc Chính phủ nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2022, tình hình cạnh tranh trên thị trường xây dựng khốc liệt hơn bao giờ hết do các doanh nghiệp xác định mục tiêu có dự án để tồn tại qua giai đoạn khó khăn thay vì mục tiêu lợi nhuận. Đứng trước áp lực về chi phí, Fecon đã phải cắt giảm 15% đội ngũ nhân sự, giảm đầu mối các công ty con và tập trung cao độ cho nhiệm vụ phát triển và quản lý hiệu quả dự án. Tuy nhiên, do có các hợp đồng đã ký kết và triển khai như: Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh), Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM); Dự án cảng Lạch Huyện 5 - 6 (Hải Phòng); Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 - 4 (Đồng Nai); Dự án Tổ hợp thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2 (Quảng Ngãi)..., nên Công ty giữ được thị trường. Năm 2023, Công ty dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022; lợi nhuận hợp nhất đạt 125 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2022. Chủ tịch Fecon cho biết, kịch bản tăng trưởng dựa trên nhận định: “Năm 2023, thị trường xây dựng của Việt Nam vẫn còn nguyên đó các cơ hội, trong khi Chính phủ đang không ngừng nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản và xây dựng”.

Tại Công ty CP Tập đoàn PC1, chia sẻ với cổ đông và nhà đầu tư, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch PC1 cho biết, sau khi chi 2.000 tỷ đồng M&A nắm giữ cổ phần chi phối Công ty Phát triển khu công nghiệp Nomura Hải Phòng và đầu tư góp vốn vào Western Pacific, Công ty đã tạo được nền tảng cho chiến lược phát triển các khu công nghiệp xanh và thông minh. Trong năm này, PC1 sẽ ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xanh và thông minh, đầu tư các dự án bất động sản nhà ở nội đô; vận hành các nhà máy điện, nhà máy chế biến vật liệu mới. Đi qua năm 2022 khó khăn với doanh thu (8.357 tỷ đồng) và lợi nhuận (537 tỷ đồng) chỉ đạt 76% và 81,7% so với kế hoạch, PC1 dự kiến chỉ tiêu năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 9.450 tỷ đồng và 511 tỷ đồng.

Trên thị trường, PC1 được đánh giá cao ở quyết tâm phát triển bền vững, chọn sản xuất và tiêu dùng xanh, gắn với các giải pháp bảo vệ môi trường. Mặc dù đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm nhẹ so với năm 2022 (giảm 3%), nhưng Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, nhiều khả năng PC1 sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 30%. Sang năm 2024, tăng trưởng lợi nhuận của PC1 dự kiến sẽ vượt 40% so với năm 2023.

Trong ngành tài chính, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) dự báo tạo nên câu chuyện tăng trưởng do có “nhân tố mới” trên con đường kinh doanh. Bên cạnh các lợi thế về nền tảng khách hàng, tốc độ chuyển đổi số, văn hóa quân đội và khả năng quản trị rủi ro thông minh, “nhân tố mới” tại MBBank là tư duy người đứng đầu và khả năng nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng. Ông Lưu Trung Thái, người nhậm chức Chủ tịch MBBank vào tháng 4/2023 cho biết, năm 2023, MBBank sẽ đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác và hợp tác chiến lược với Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, SBI Holdings, Ageas… Ngân hàng cũng sẽ thiết lập các mối quan hệ hợp tác với một số tập đoàn, tổng công ty khác có triển vọng cùng phát triển với MBBank. Cuối năm 2022, MBBank có 21 triệu khách hàng, dự kiến sẽ tăng lên 27 triệu khách hàng vào cuối năm 2023. Ngân hàng dự kiến đạt 26.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2023, cao hơn đáng kể mức 22.729 tỷ đồng thực hiện năm 2022. Danh sách các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2023, theo VNDirect, còn có FPT, BVH, KBC, PLC, BCM…, dựa trên những câu chuyện tăng trưởng riêng biệt.

Trên trường quốc tế, hàng loạt yếu tố bất ổn liên tục xuất hiện như việc Fed quyết định tăng lãi suất và mới đây, thêm những cái tên ngân hàng Mỹ, châu Âu buộc phải phá sản, làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tháng 4/2023 tiếp tục giảm sâu về 46,7 điểm cho thấy khó khăn rõ nét, khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trên thị trường giảm mạnh. Trong thách thức chung của môi trường kinh doanh, khát vọng ngược dòng gian khó để tăng trưởng tại một số doanh nghiệp đang vẽ những nét tươi sáng, hy vọng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong bức tranh kinh doanh tại Việt Nam.

Chuyên đề